Các câu hỏi về cuộc sống Cơ Đốc nhân




Câu hỏi: Cơ Đốc nhân là gì?

Trả lời:
Từ điển định nghĩa một cơ đốc nhân là “Người xưng nhận đức tin vào Chúa Giê Xu là Cứu Chúa và có niềm tin vào một tôn giáo lấy nền tảng là những lời dạy của Chúa Giê Xu”. Định nghĩa này cũng giống như bao định nghĩa khác, vẫn chưa nói lên được ý nghĩa của việc là một cơ đốc nhân. Từ “Cơ Đốc nhân” được dùng ba lần trong Tân Ước (Công vụ 11:26; Công vụ 26:28; I Phi-e-rơ 4:16). Những người theo Chúa Giê Xu Christ đầu tiên được gọi là Cơ Đốc nhân tại thành phố An-ti-ốt (Công vụ 11:26) bởi vì cách cư xử, hành động, lời nói của họ giống với Đấng Christ. Nghĩa đen của từ “cơ đốc nhân” nghĩa là “Thuộc về nhóm người của Đấng Christ” hoặc là một “môn đồ của Christ.”

Tuy nhiên, theo thời gian từ “Cơ Đốc nhân” mất đi ý nghĩa liên hệ lớn lao và thường sử dụng phổ biến để chỉ những người có tôn giáo hay sống có đạo đức, cho dù đó có thể là môn đồ của Chúa Giê Xu Christ hay không. Nhiều người không có đức tin tự cho mình là những Cơ Đốc nhân, đơn giản bởi vì họ đi nhà thờ hay sống trong một đất nước mà Cơ Đốc giáo là tôn giáo chính. Nhưng đi nhà thờ hay sống có đạo đức không có nghĩa bạn là một Cơ Đốc nhân.

Kinh Thánh dạy chúng ta rằng không phải cứ cố gắng làm việc thiện là được tha tội, hay được Chúa chấp nhận. Tít 3:5, “Không phải bởi những việc công nghĩa mà chúng ta đã làm, mà nhờ lòng thương xót của Ngài bởi sự rửa sạch của việc tái sinh và sự đổi mới của Thánh Linh.” Vì thế một Cơ Đốc nhân là người được tái sinh bởi Đức Chúa Trời (Giăng 3:3; Giăng 3:7; I Phi-e-rơ 1:23) và đặt đức tin cùng lòng tin cậy của họ vào Chúa Giê Xu Christ. Ê-phê-sô 2:8, “Bởi ân điển qua đức tin mà bạn được cứu, điều đó không tự chính bạn, nó là món quà của Đức Chúa Trời.”

Một Cơ Đốc nhân là người đặt đức tin và lòng tin cậy của họ vào Chúa Giê Xu Christ và thật tin Ngài đã chết trên thập tự giá để trả nợ thay cho họ và hồi sinh ngày thứ ba. Giăng 1:12 nói với chúng ta: “Nhưng những ai tiếp nhận Ngài, nghĩa là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho quyền làm con của Chúa.” Một Cơ Đốc nhân thật là một người con thật của Chúa, một thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời, và được ban cho một đời sống mới trong Christ. Dấu hiệu của một Cơ Đốc nhân thật là yêu thương người khác và vâng lời Đức Chúa Trời. (I Giăng 2:4; I Giăng 2:10).

Bạn có làm một quyết định với Đấng Christ vì những điều mà bạn đã đọc ở đây? Nếu đúng vậy, xin bạn vui lòng nhấn vào nút nhấn bên dưới: “Hôm nay tôi bằng lòng nhận Đấng Christ”.

Câu hỏi: Cơ Đốc nhân có phải tuân theo luật chép trong Cựu Ước không?

Trả lời:
Chìa khóa để hiểu vấn đề này là rằng luật pháp Cựu Ước ban cho quốc gia Y-sơ-ra-ên, không phải cho Cơ Đốc nhân. Cựu ước lưu lại một số điều luật dạy người Y-sơ-ra-ên biết vâng lời và làm vui lòng Đức Chúa Trời (Thí dụ như Mười điều răn), một số điều chỉ cách thờ phượng Đức Chúa Trời (Như hệ thống dâng tế lễ), một số điều chỉ đơn giản phân biệt Người Y-sơ-ra-ên khác với các quốc gia khác (luật về thực phẩm và y phục). Luật pháp Cựu Ước không áp dụng cho chúng ta ngày nay. Khi Chúa Giê Xu chết trên thập tự giá, Ngài đã đặt dấu chấm hết cho luật pháp Cựu Ước (Rô-ma 10:4; Ga-la-ti 3:23-25; Ê-phê-sô 2:15).

Thay vì tuân theo luật pháp Cựu Ước, chúng ta nghe theo Đấng Christ (Ga-la-ti 6:2)-“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình”. Nếu chúng ta làm hai điều này, chúng ta sẽ làm đầy đủ tất cả những gì Chúa muốn chúng ta làm. “Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” (Ma-thi-ơ 22:40). Nói thế không có nghĩa là luật Cựu ước không liên quan gì đến chúng ta ngày nay. Rất nhiều luật trong Cựu ước thì nằm trong nghĩa “yêu mến Chúa” và “yêu mến người thân cận”. Luật Cựu Ước có thể là kim chỉ nam để ta biết thế nào là yêu mến Chúa và người khác. Tuy nhiên, nếu nói là ta phải tuân theo luật cựu ước thì chưa chính xác. “Vì này là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề” (I Giăng 5:3). Mười điều răn là tổng kết của toàn bộ cựu ước. Chín điều trong số ấy cũng được tìm thấy trong Tân ước (Ngoại trừ điều răn giữ ngày Sa-bát). Lẽ đương nhiên nếu chúng ta yêu Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không thờ phượng thần nào khác hay hình tượng. Nếu chúng ta yêu mến những người chung quanh chúng ta, chúng ta sẽ không giết họ, nói dối họ, phạm tội tà dâm chống lại họ, hay ghen tị với họ. Mục đích của Cựu ước là để cho ta thấy con người không có khả năng tuận theo luật, và vì thế cho ta thấy ta cần một cứu chúa- Giê su. Cựu ước không phải là luật quốc tế cho tất cả mọi người mọi thời điểm. Chúng ta yêu Đức Chúa Trời và yêu mến người lân cận chúng ta. Nếu chúng ta trung thành làm hai điều này, thì ta đã giữ đúng những gì chúa mong muốn ở ta.


Câu hỏi: Làm thế nào tôi biết ý muốn Chúa cho đời sống tôi? Kinh Thánh nói gì về việc tìm biết ý Chúa?

Trả lời:
Có hai cách để biết ý Chúa về một vấn đề: (1) Chắc chắn về điều bạn đang cầu xin hoặc xem xét việc làm không phải là điều cấm kị trong kinh thánh. (2) Chắc chắn về điều bạn đang cầu xin hoặc xem xét việc làm sẽ vinh hiển Đức Chúa Trời và giúp cho bạn trưởng thành thuộc linh. Nếu hai điều này là thật mà Đức Chúa Trời vẫn không ban cho bạn những gì bạn cầu xin – thế thì có lẽ đó không phải là ý Chúa để bạn làm điều đó . Hay đôi khi bạn cần phải chờ đợi thêm. Đôi khi cũng không dễ dàng gì để biết ý Chúa. Con người muốn Đức Chúa Trời nói cho họ chính xác những gì họ phải làm như : Làm việc ở đâu, sống ở đâu, kết hôn với ai.v.v…Chúa hiếm khi đưa ra thông tin trực tiếp và cụ thể. Chúa cho phép ta đưa ra lựa chọn cho cuộc sống của mình.

Rô-ma 12:2 nói cho chúng ta, “Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thế nào.” Điều duy nhất Chúa không muốn ta làm là ta lựa chọn để tội lỗi và chống lại ý Ngài. Đức Chúa Trời muốn chúng ta lựa chọn đúng đắn, hòa hợp với ý muốn của Ngài. Vậy làm thế nào để biết ý Chúa dành cho bạn? Nếu bạn luôn đi gần bên Chúa và thật lòng khao khát ý Chúa cho đời sống của mình, Đức Chúa Trời sẽ để bạn mong muốn làm những điều Ngài muốn làm. Điều chính yếu là bạn muốn theo ý Chúa, chứ không phải theo ý riêng bạn. “Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê Hô Va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước.” (Thi Thiên 37:4) Nếu Kinh Thánh không nói chống lại ý bạn và ý đó lợi ích thật cho tâm linh bạn thì lời Kinh Thánh cho phép bạn quyết định lựa chọn và nghe theo trái tim mình. Nếu bạn thực lòng tìm kiếm ý chúa với một trái tim rộng mở và một linh hồn khiêm nhường trước Chúa, Ngài sẽ để bạn biết ý Ngài.


Câu hỏi: Làm thế nào tôi có thể vượt qua tội lỗi trong đời sống cơ đốc nhân?

Trả lời:
Kinh Thánh có đề cập đến những nguồn năng lượng để giúp ta vượt qua tội lỗi. Mặc dù trong cuộc sống này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể chiến thắng tội lỗi một cách hoàn toàn, song đó là cái đích mà ta nên luôn hướng đến. Với sự che chở của chúa, và bằng theo những chỉ dẫn trong kinh thánh, ta sẽ dần vượt qua tội lỗi và giống với Ngài hơn.

Nguồn thứ nhất mà kinh thánh nhắc đến là Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời ban cho ta Thánh Linh để ta có thể chiến thắng trong đời sống cơ đốc. Chúa mô tả sự tương phản của những hành động từ xác thịt (tội lỗi) với bông trái của Đức Thánh Linh trong Ga-la-ti 5:16-25. Trong đoạn này, chúng ta được kêu gọi hãy bước theo Thánh Linh. Tất cả những tín hữu đều có Đức Thánh Linh, nhưng đoạn Kinh Thánh này bảo chúng ta cần phải bước đi theo Thánh Linh, để Ngài chỉ lối cho ta. Điều này có nghĩa là ta nên lựa chọn để vâng theo Ngài thay vì nghe theo những ham muốn riêng của mình.

Sự khác biệt mà Đức Thánh Linh có thể làm trong đời sống tín hữu được minh chứng qua đời sống của Phi-e-rơ. Phi-e-rơ là người đã chối Chúa ba lần, mặc dù trước đó ông đã hứa nguyện theo Chúa cho đến chết. Sau khi quyết định theo Đức Thánh Linh, ông đã rao giảng rất mạnh mẽ về Cứu Chúa cho người Do Thái trong ngày lễ Ngũ tuần.

Một người bước đi theo Thánh Linh là khi người ấy không cố gắng ngăn trở sự thúc giục của Thánh Linh (Dập tắt Đức Thánh Linh được chép trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:19) mà thay vào đó tìm cách để tràn đầy Thánh Linh (Ê-phê-sô 5:18-21) Làm thế nào một người được đầy dẫy Đức Thánh Linh? Trước hết đó là sự lựa chọn của Đức Chúa Trời giống như thời Cựu Ước. Ngài lựa chọn từng người để hoàn thành các công việc ngài muốn và lấp đầy họ với Đức Thánh Linh (Sáng thế ký 41:38; Xuất Ê-díp-tô-ký 31:3; Dân số ký 24:2; 1 Sa-mu-ên 10:10.v.v…). Có bằng chứng trong Ê-phê-sô 5:18-21 và Cô-lô-se 3:16 cho việc Đức Chúa Trời chọn lựa để ban đầy Đức Thánh Linh trong những người chọn lấp đầy chính mình với lời Chúa.

Kinh Thánh, lời của Đức Chúa Trời, nói rằng Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta lời của Ngài để trang bị cho chúng ta để làm những việc lành( II Ti-mô-thê 3:16-17). Lời Kinh Thánh dạy chúng ta cách sống và chỉ cho ta khi ta đi sai đường, giúp ta quay lại con đường đúng và giúp ta tiếp tục trên con đường ấy. Hê-bơ-rơ 4:12 nói cho ta biết rằng lời của Chúa là lời sống và có sức mạnh, có thể đi sâu vào tim ta, giúp ta vượt qua tội lỗi. Tác giả của Thi Thiên viết về quyền năng thay đổi đời sống trong Thi Thiên 119. Giô- Suê đã được dạy rằng chìa khóa thành công để vượt qua kẻ thù là không được quên vũ khí này (kinh thánh) và liên tục suy ngẫm về nó và vâng theo. Đây là điều Giô Suê đã làm, ngay cả những khi mệnh lệnh Đức Chúa Trời không như những gì mà ông biết về chiến trận, và điều này chính là chìa khóa của sự chiến thắng của ông trong trận chiến giành miền đất hứa.

Kinh thánh là nguồn năng lực mà ta thường xem thường. Ta thường đem kinh thánh đến nhà thờ, đọc một đoạn mỗi ngày, song lại không chịu học thuộc, không nghiền ngẫm nó, không áp dụng vào cuộc sống của mình. Ta không xưng tội, không tạ ơn Chúa vì những gì Ngài ban tặng. Khi nói đến kinh thánh, ta thường hoặc là quá vồ vập hoặc là lờ đi. Ta hoặc là chỉ đọc đủ để giữ cho linh ta sống (nhưng không đọc để có đời sống linh khỏe mạnh), hoặc là đọc nhiều nhưng lại không nghiễn ngẫm đủ để phát triển linh.

Nếu bạn không có thói quen học lời Chúa hằng ngày và học thuộc chúng, thì quan trọng là bạn cần bắt đầu tập cho mình thói quen ấy. Một số người thấy việc viết lại những lời của Chúa. Tạo thói quen viết lại ý nghĩa lời Chúa. Một số người thu âm lại những buổi cầu nguyện, cầu chúa thay đổi những lĩnh vực của đời sống mà Chúa đã nói với họ. Kinh thánh là công cụ Đức Thánh Linh dùng trong đời sống của ta (Ê-Phê-sô 6:17). Đó là phần chính và thiết yếu của chiếc áo giáp Đức Chúa Trời ban cho ta để chiến đấu trong cuộc chiến thuộc linh của mình.( Ê-phê-sô 6:18)

(3) Nguồn năng lực thiết yếu thứ ba là cầu nguyện. Cũng tương tự như hai nguồn trên, cầu nguyện là nguồn mà Đức Chúa Trời ban cho cơ đốc nhân. Chúng ta có buổi cầu nguyện chung, giờ cầu nguyện riêng.v.v…nhưng vấn đề là ta không dùng cầu nguyện giống như cách mà các hội thánh ngày xưa làm (Công vụ 3:1; 4:31; 6:4;13:1-3, etc.). Phao Lô nhắc lại cách ông cầu nguyện cho những người mà ông đã truyền đạo. Đức Chúa Trời ban cho ta những lời hứa tuyệt vời về cầu nguyện. (Ma-thi-ơ 7:7-11; Lu-ca 18:1-8; Giăng 6:23-27; I Giăng 5:14-15.v.v…). Phao Lô ông đã nhắc đến cầu nguyện trong các thư tín củ mình giống như là cách để chuận bị cho trận chiến thuộc linh.(Ê-phê-sô 6:18)

Tại sao vượt qua tội lỗi lại quan trọng? Chúng ta có lời của Christ với Phi-e-rơ ngay trước khi Phi-e-rơ chối Chúa. Khi Chúa Giê-su cầu nguyện thì Phi-e-rơ ngủ say. Giê-su đánh thức Phi-e-rơ và nói “Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.” (Ma-thi-ơ 26:41). Chúng ta cũng giống như Phi-e-rơ muốn làm đúng, nhưng lại không tìm kiếm sức mạnh để làm nó. Ta cần theo lời khuyên của Chúa, tiệp tục tìm kiếm, gõ cửa, và xin nài- Ngài sẽ cho ta sức mạnh ta cần (Ma-thi-ơ 7:7). Cầu nguyện không phải là công thức diệu kỳ. Cầu nguyện chỉ đơn giản là nhận thức giới hạn trong năng lực của ta và sức mạnh không mệt mỏi của Chúa và từ đó tìm Chúa để Ngài cho ta sức mạnh (I Giăng 5:14-15).

(4) Hội Thánh – Nguồn năng lực cuối cùng để ta vượt qua tội lỗi là hội thánh, tức sự liên hiệp của các tín hữu. Khi Đức Chúa Giê Xu sai các môn đồ, Ngài đã sai đi từng đôi (Ma-thi-ơ 10:1). Các sứ đồ trong Công vụ các sứ đồ không đi từng người mà đi theo nhóm hai người hay nhiều hơn. Ngài truyền lệnh cho chúng ta đừng bỏ qua sự nhóm lại chung với nhau: “Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hể anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” (Hê-bơ-rơ 10:24-25) Ngài nói với chúng ta hãy xưng tội với nhau (Gia Cơ 5:16). Trong các sách văn thơ khôn ngoan của Cựu Ước có chép, “ Sắt mài nhọn sắt, cũng vậy người bổ dưỡng diện mạo bạn hữu mình.” (Châm ngôn 27:17)

Rất nhiều cơ đốc nhân thấy là có một người bạn đồng hành có thể rất có lợi khi muốn vượt qua tội lỗi. Có người để trò chuyện, cùng cầu nguyện, động viên, và thậm chí là chỉ ra lỗi lầm của ta là rất quý giá. Cám dỗ xảy đến với tất cả (1 Cô-rinh-tô 10:13). Có một người bạn hoặc một nhóm bạn như vậy có thể giúp ta có được nguồn động viên cần thiết để chống lại tội lỗi.

Đôi khi sự biến đổi đến rất nhanh. Đôi lúc, sự thay đổi đến chậm hơn. Nhưng Đức Chúa Trời đã hứa với chúng ta rằng khi chúng ta dùng những nguồn năng lực của Ngài, Ngài sẽ mang sự thay đổi trong đời sống chúng ta. Hãy kiên nhẫn vì sự thành tín trong lời hứa của Ngài dành cho chúng ta.


Câu hỏi: Làm thế nào tôi có thể truyền giảng cho những bạn hữu và những người trong gia đình của tôi mà không gây khó chịu hoặc xô đẩy họ đi?

Trả lời:
Thường thì mọi cơ đốc nhân đều có thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay người quen không phải là cơ đốc nhân. Chia sẻ phúc âm với người khác đôi khi rất khó, và còn khó hơn khi đó là người thân thiết. Kinh Thánh cho ta biết rằng một số người sẽ khó chịu khi nghe Phúc âm (Lu-ca 12:51-53). Tuy nhiên, chúng ta được mạng lệnh chia sẻ phúc âm, và không có lý do gì để không làm như vậy (Ma-thi-ơ 28:19-20; Công vụ 1:8; I Phi-e-rơ 3:15).

Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể truyền giảng cho những thành viên gia đình chúng ta, bạn bè của chúng ta, những đồng nghiệp, và những người quen chúng ta? Điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm là cầu nguyện. Hãy cầu nguyện rằng Chúa sẽ thay đổi tấm lòng của họ và mở mắt cho họ ( II Cô-rinh-tô 4:4) đến chân lý của Phúc âm. Hãy cầu nguyện để Chúa sẽ thuyết phục họ về tình yêu của Ngài dành cho họ và nhu cầu cứu rỗi của họ thông qua Chúa cứu thế Giê Su (Giăng 3:16). Hãy cầu nguyện Chúa ban sự khôn ngoan cho bạn để truyền giảng cho họ (Gia cơ 1:5). Ngoài cầu nguyện ra, chúng ta cần phải sống cuộc sống cơ đốc nhân trước mặt họ để họ có thể nhìn thấy sự thay đổi mà Đức Chúa Trời đã làm trong cuộc sống của bạn ( I Phi-e-rơ 3:1-2). Như thánh Phan-xi-cô thành Assisi đã từng nói: "Giảng Phúc âm vào mọi lúc và khi cần thiết sử dụng lời nói."

Cuối cùng, chúng ta phải sẵn lòng và vững niềm tin khi chia sẻ Phúc âm. Chia sẻ thông điệp cứu rỗi qua Chúa cứu thế Giê Su cho những bạn hữu và gia đình của bạn (Rô-ma 10:9-10). Luôn luôn ở thế chuẩn bị để nói về đức tin của bạn (I Phi-e-rơ 3:15), một cách nhẹ nhàng và tôn trọng. Cuối cùng, chúng ta phải hiểu rằng Đức Chúa Trời, chứ không phải bạn, là người sẽ cứu rỗi những người ấy. Bởi quyền năng và ân điển của Đức Chúa Trời mà mọi người được cứu, không phải nhờ những nỗ lực của chúng ta. Tốt nhất và hầu hết chúng ta có thể làm là hãy cầu nguyện cho họ, làm chứng cho họ, và sống đời sống Cơ Đốc nhân trước mặt họ.


Câu hỏi: Cai nhịn - Kinh Thánh nói gì?

Trả lời:
Kinh Thánh không bắt buộc cơ đốc nhân phải cai nhịn. Tuy nhiên, kinh thánh nhắc đến cai nhịn như là điều tốt và có ích lợi. Sách Công vụ các sứ đồ ghi lại các tín hữu cai nhịn trước khi họ thực hiện các quyết định quan trọng (Công vụ 13:4, 14:23). Cai nhịn và cầu nguyện thường đi liền với nhau (Lu-ca 2:37; 5:33). Thường thì khi nói đến cai nhịn, người ta nghĩ đến nhịn ăn. Tuy nhiên, mục đích của cai nhịn là để ta rời mắt khỏi những thứ thuộc về thế giới này và tập trung vào Chúa. Cai nhịn là một cách để tập trung vào Chúa, và từ đó cho thấy ta nghiêm túc trong mối liên thông với Chúa. Cai nhịn giúp ta có được một cái nhìn mới và phụ thuộc vào Chúa.

Mặc dù cai nhịn trong Kinh Thánh hầu như thường là nhịn ăn, thực ra có rất nhiều loại cai nhịn. Bất cứ điều gì ta ngưng tạm thời để tập trung tất cả chú ý của ta về Đức Chúa Trời có thể được coi là cai nhịn (I Cô-rinh-tô 7:1-5). Cai nhịn chỉ nên có thời gian giới hạn, đặc biệt là khi nhịn đồ ăn. Kéo dài thời gian nhịn ăn có thể gây hại cho cơ thể. Cai nhịn không phải là để trừng phạt xác thịt mà là để hướng sự chú ý đến Đức Chúa Trời. Nhịn ăn cũng không nên được coi là một "phương pháp ăn kiêng". Mục đích của cai nhịn không phải là để giảm cân, mà là để đạt được mối thông công sâu hơn với Thiên Chúa. Bất cứ ai cũng có thể cai nhịn, nhưng một số có thể không thể nhịn ăn (Ví dụ: bệnh nhân tiểu đường). Mọi người đều có thể tạm thời từ bỏ một điều gì đó để đến gần Chúa hơn.

Bằng cách cai nhịn, ta có thể tập trung vào Chúa cứu thế. Cai nhịn không phải là cách để xin Đức Chúa Trời làm những gì chúng ta muốn. Cai nhịn thay đổi chúng ta, không phải Đức Chúa Trời. Cai nhịn không phải là để thể hiện nếp sống thuộc linh cao hơn những người khác. Cai nhịn phải được thực hiện trong tinh thần khiêm nhường và thái độ vui tươi. Ma-thi-ơ 6:16-18 tuyên bố: "Khi các ngươi kiêng ăn, chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình; vì họ nhăn mặt, cho mọi người biết họ kiêng ăn. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi. Song khi ngươi kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu, và rửa mặt, hầu cho người ta không xem thấy ngươi đang kiêng ăn, nhưng chỉ Cha ngươi là Đấng ở nơi kín nhiệm xem thấy mà thôi; và Cha ngươi thấy trong chỗ kín nhiệm sẽ thưởng cho ngươi.”


Câu hỏi: Làm thế nào tôi có thể tha thứ tội cho những người chống lại tôi?

Trả lời:
Ai cũng từng bị xúc phạm hay đối xử tệ ở một thời điểm nào đó. Vậy trong những trường hợp như vậy, cơ đốc nhân nên phản ứng thế nào? Theo kinh thánh, ta cần tha thứ. Ê-phê-sô 4:32 chép, " Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Ðức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Ðấng Christ vậy." Tương tự, Cô-lô-se 3:13 chép, "Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy." Điểm chính của cả hai câu Kinh Thánh là ta cần tha thứ cho người khác giống như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho ta. Tại sao? Bởi vì chính ta là người được tha thứ! Những người ngoại đạo không được chúa tha thứ, và cũng không có mong muốn cũng như sức mạnh để tha thứ cho người khác.

Ta sẽ dễ dàng tha thứ cho ai nếu người đó đến cần xin ta tha thứ trong ăn năn, hối hận. Tuy nhiên, Kinh Thánh chép chúng ta cần tha thứ, vô điều kiện, kể cho những người gây tổn thương cho ta. Không chịu tha thứ cho ai thể hiện sự tức giân, cay đắng, không giống với hành xử của một cơ đốc nhân thực sự. Trong lời cầu nguyện của Chúa, ta xin Chúa tha thứ cho tội lỗi của ta, cũng như ta tha thứ cho những người làm tổn thương ta (Ma-thi-ơ 6:12). Chúa Giê Su nói trong Ma-thi-ơ 6:14-15, "Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi." Khi nghiên cứu câu này, ta hiểu rằng những người không chịu tha thứ cho người khác thì chính họ chưa thật sự trải nghiệm sự tha thứ từ Chúa.

Bất cứ lúc nào không vâng lời Chúa là ta đã phạm tội chống nghịch Ngài. Bất cứ lúc nào chúng ta cư xử xấu với người khác, chúng ta không chỉ phạm tội chống lại người đó, mà còn chống lại Đức Chúa Trời. Khi ta thật sự hiểu sự tha thứ Chúa ban cho ta trước tất cả những tội lội của mình, thì ta sẽ nhận ra rằng ta không có quyền để giữ ân điển ấy trước người khác. Ta phạm tội chống lại Đức Chúa Trời ở một mức độ vô hạn mà không một người nào có thể gây ra cho ta. Nếu Đức Chúa Trời tha thứ cho ta nhiều như vậy, tại sao ta lại không thể tha thứ cho người khác một chút? Ví dụ của Chúa Giê Su trong Ma-thi-ơ 18:23-35 là một minh họa mạnh mẽ của lẽ thật này. Đức Chúa Trời hứa rằng khi chúng ta đến với Ngài xin sự tha thứ, Ngài ban cho cách thoải mái (I Giăng 1:9). Vì thế sự tha thứ của ta cũng không nên có giới hạn, giống như Chúa tha thứ cho ta vô hạn (Lu-ca 17:3-4).


Câu hỏi: Tăng trưởng thuộc linh là gì?

Trả lời:
Tăng trưởng thuộc linh là tiên trình chuyển biến để ta ngày càng giống với Chúa cứu thế Giê Su. Khi chúng ta đặt đức tin vào Chúa Giê Su, Chúa Thánh Linh bắt đầu quá trình làm cho chúng ta giống Ngài nhiều hơn, để ta phù hợp với hình ảnh của Ngài. Tăng trưởng thuộc linh có lẽ được mô tả rõ nhất trong II Phi-e-rơ 1:3-8, điều này nói cho chúng ta biết rằng bởi quyền năng của Thiên Chúa chúng ta có mọi điều chúng ta cần để sống cuộc sống tin kính, đó là đích đến của tăng trưởng thuộc linh. Chú ý rằng những gì ta cần đến từ những gì ta biết về Ngài, điều này là chìa khóa để nhận lấy mọi thứ ta cần. Những gi ta biết về Ngài chủ yếu là từ Kinh Thánh, được ban cho ta để khai sáng và tăng trưởng thuộc linh.

Ga-la-ti 5:19-23 có làm một so sánh tương phản. Câu 19-21 liệt kê “Những hành động của xác thịt.” Đây là những điều ta làm trước khi nhận Chúa. Những việc làm ấy ta cần xưng tội, ăn năn và nhờ Chúa giúp ta vượt qua. Khi ta dần tăng trưởng thuộc linh, ta sẽ giảm dần các “hành động xác thịt”. Câu 22-23 liệt kê bông trái của thuộc linh. Đây là những gi ta có khi có tăng trưởng thuộc linh. Tăng trưởng thuộc linh dễ nhận thấy khi bông trái của Thánh Linh trở nên rõ ràng trong cuộc sống của một tín hữu.

Khi ta nhận cứu Chúa và thay đổi, thì quá trình tăng trưởng thuộc linh bắt đầu. Đức Thánh Linh ngự vào trong chúng ta (Giăng 14:16-17). Chúng ta là tạo vật mới trong Chúa cứu thế (II Cô-rinh-tô 5:17). Bản chất cũ được thay thế bằng một bản chất mới (Rô ma 6-7). Tăng trưởng thuộc linh là một quá trình lâu dài phụ thuộc vào việc ta đọc kinh thánh, và ứng dụng lời của Chúa trong đời sống của mình (II Ti-mô-thê 3:16-17) và đồng đi trong Thánh Linh (Ga-la-ti 5:16-26). Khi chúng ta tìm kiếm sự tăng trưởng thuộc linh, chúng ta nên cầu nguyện với Đức Chúa Trời và cầu xin sự khôn ngoan liên quan đến các lĩnh vực Ngài muốn chúng ta trưởng thành. Chúng ta có thể xin Chúa gia tăng đức tin của chúng ta và hiểu Ngài hơn. Đức Chúa Trời ao ước cho chúng ta được tăng trưởng thuộc linh, và Ngài đã cho ta tất cả những gì ta cần để có tăng trưởng thuộc linh. Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể vượt qua tội lỗi và dần trở nên giống như Cứu Chúa của chúng ta là Chúa cứu thế Giê Su.


Câu hỏi: Kinh Thánh nói gì về chiến trận thuộc linh?

Trả lời:
Có hai lỗi thường gặp khi nhắc đến chiến trận thuộc linh-hoặc là ta qúa chú trọng hoặc là thiếu quan tâm. Một số buộc tội quỷ dữ cho mọi tội lỗi, mọi xung đột và mọi vấn đề. Nhiều người khác thì lại hoàn toàn bỏ qua lĩnh vực tâm linh và lờ đi thực tế là Kinh Thánh nói về cuộc chiến sự chống lại quyền lực tâm linh. Chìa khóa để thành công trong chiến trận thuộc linh là tìm sự cân bằng. Chúa Giê Su đôi khi đuổi ma quỷ ra khỏi con người và đôi khi chữa lành con người mà không đề cập đến việc xuất quỷ ra ngoài. Sứ đồ Phao lô hướng dẫn các tín hữu tiến hành chiến tranh chống lại tội lỗi trong chính họ (Rô ma 6) và tiến hành chiến tranh chống lại thế lực tội lỗi (Ê-phê-sô 6:10-18).

Ê-phê-sô 6:10-12 chép, "Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Ðức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy." Đoạn Kinh Thánh này dạy một số chân lý quan trọng: Chúng ta chỉ có thể được sức mạnh trong quyền năng của Chúa, đó là áo giáp của Thiên Chúa bảo vệ chúng ta, và cuộc chiến của chúng ta là chống lại điều ác.

Một ví dụ về một người có sức mạnh trong quyền năng của Chúa là Thiên sứ trưởng Mi-ca-ên, trong Giu đe câu 9. Mi-ca-ên, người có quyền lực nhất trong tất cả các thiên sứ của Đức Chúa Trời, ông không dùng quyền hành của riêng mình quở trách Sa-tan, mà nói: "Xin Chúa quở trách ngươi!" Khải Huyền 12:7-8 chép rằng trong ngày tận thế, Mi-ca-ên sẽ đánh bại Satan. Tương tự, khi có xung đột với Satan, Mi-ca-ên quở phạt Satan trong danh và quyền của Đức Chúa Trời, không phải của riêng mình. Chỉ có nhờ mối giao thông với Chúa cứu thế Giê Su mà các tín hữu có các quyền lực trên Satan và các quỷ sứ. Chỉ có trong danh của Ngài thì quở trách của ta mới có sức mạnh.

Ê-phê-sô 6:13-18 mô tả áo giáp thuộc linh Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng ta đứng vững với sự thật làm dây nịt lưng, áo giáp của sự công bình, sự sẵn sàng của phúc âm bình an làm giày dép, mâu của đức tin, mũ giáp của sự cứu rỗi, gươm của Thánh Linh, và bằng cách cầu nguyện trong Thánh Linh. Những mảnh áo giáp thuộc linh thể hiện điều gì trong chiến tranh thuộc linh? Chúng ta nói sự thật nhằm chống lại sự dối trá của Satan. Chúng ta an toàn trong sự thật được xưng công bình, vì sự hy sinh của Chúa cứu thế cho chúng ta. Chúng ta công bố phúc âm chúng ta nhận lấy bao nhiêu sự chống đối không thành vấn đề. Chúng ta không dao động đức tin của chúng ta khi bị tấn công mạnh như thế nào không có vấn đề. Phòng tuyến cuối cùng của chúng ta là sự bảo đãm của sự cứu rỗi, một bảo đãm mà không có lực lượng tâm linh nào có thể tước đoạt. Vũ khí tấn công của chúng ta là Lời Đức Chúa Trời, không phải dùng ý riêng hay cảm xúc riêng của chúng ta. Chúng ta làm theo gương mẫu Chúa Giê Su trong sự nhận thấy rằng những chiến thắng thuộc linh chỉ có thể đạt được bằng sự cầu nguyện.

Chúa Giê Su là ví dụ lớn nhất trong chiến trận thuộc linh. Hãy xem cách Giê-su đối đầu với Sa-tan khi Sa-tan cám dỗ Giê-su (Ma-thi-ơ 4:1-11). Mỗi cám dỗ đã được trả lời theo cùng một cách, với những từ "Vì có Lời chép". Chúa Giê Su biết Lời của Đức Chúa Trời hằng sống là vũ khí mạnh nhất chống lại những cám dỗ của ma quỷ. Nếu chính Chúa Giê Su sử dụng lời Chúa để đối đầu với ma quỷ, thì sao ta có thể sử dụng vũ khí khác?

Ví dụ rõ nhất của việc không chiến đấu trong chiến trận thuộc linh là Bảy con trai của thầy tế lễ Sê-va. "Bấy giờ có mấy thầy trừ quỉ là người Giu-đa đi từ nơi nầy sang chỗ kia, mạo kêu danh Ðức Chúa Giê Su trên những kẻ bị quỉ dữ ám, rằng: Ta nhơn Ðức Chúa Giê Su nầy, là Ðấng mà Phao-lô giảng, để truyền khiến chúng bay. Các kẻ làm việc đó là bảy con trai của Sê-va, tức là một người trong bọn thầy tế lễ cả Giu-đa. Song quỉ dữ đáp lại rằng: Ta biết Ðức Chúa Giê Su, và rõ Phao-lô là ai; nhưng các ngươi là kẻ nào? Người bị quỉ dữ ám bèn sấn vào chúng, thắng được hai người trong bọn và hành hạ dữ lắm, đến nỗi phải trần truồng và bị thương, trốn ra khỏi nhà. "(Công vụ 19:13-16). Bảy người con trai của Sê-va đã sử dụng danh Chúa Giê Su. Điều đó chưa đủ, bảy người con trai của Sê-va đã không có một mối quan hệ nào với Chúa Giê Su, do đó các lời của họ không có bất kỳ thẩm quyền hay sức mạnh. Bảy người con trai của Sê-va chỉ cậy vào phương pháp luận. Họ không dựa vào Chúa Giê Su là Chúa và Cứu Chúa của họ và họ đã không tận dụng được Lời Chúa trong chiến trận thuộc linh. Kết quả là họ nhận lấy một sự thất bại nhục nhã. Xin chúng ta hãy rút ra từ gương xấu của họ và chiến đấu trong chiến trận thuộc linh như Kinh Thánh hướng dẫn.

Tóm lại, chìa khóa thành công trong trận chiên thuộc linh là gì? Trước tiên, chúng ta dựa vào quyền năng của Đức Chúa Trời, chứ không phải của riêng ta. Thứ hai, chúng ta quở trách trong danh Chúa Giê Su, không phải của riêng ta. Thứ ba, chúng ta bảo vệ chính mình với áo giáp đầy đủ của Đức Chúa Trời. Thứ tư, chúng ta bắt đầu chiến trận với thanh gươm của Thánh Linh là Lời Đức Chúa Trời. Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ rằng trong khi chúng ta tiến hành chiến trận thuộc linh chống lại Satan và các quỷ sứ của nó, không phải mọi tội lỗi hay vấn đề đều là ma quỷ cần phải quở trách.


Câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra tiếng của Thiên Chúa?

Trả lời:
Câu hỏi này đã được vô số người thuộc đủ mọi lứa tuổi hỏi. Sa-mu-ên nghe tiếng nói của Thiên Chúa nhưng không nhận ra cho đến khi được Hê-Li hướng dẫn. (I Sa-mu-ên 3:1-10). Ghê-đê-ôn có sự mặc khải rõ ràng từ Thiên Chúa, nhưng ông vẫn còn nghi ngờ những gì ông đã nghe đến mức ông xin dấu hiệu, không phải một lần mà những ba lần (Quan xét 6:17-22, 36-40). Khi chúng ta lắng nghe tiếng của Đức Chúa Trời, làm thế nào chúng ta có thể biết rằng đó là Chúa? Trước hết, chúng ta có vài điểm mà Ghê-đê-ôn và Sa-mu-ên không có. Chúng ta có Kinh Thánh trọn bộ, lời của Đức Chúa Trời linh cãm, để đọc, học tập, và suy ngẫm". Cả Kinh thánh đều là bởi Ðức Chúa Trời soi dẫn. Có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Ðức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành" ( II Ti-mô-thê 3:16-17). Khi ta có một câu hỏi về một vấn đề hoặc một quyết định nào đó trong cuộc sống, ta nên xem những gì Kinh Thánh nói về nó. Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ chỉ dẫn ta ngược với những gì Ngài đã dạy hoặc hứa ban trong kinh thánh (Tít 1:2).

Thứ hai, để nghe giọng nói của Thiên Chúa, chúng ta phải nhận ra giọng ấy. Chúa Giê Su nói "Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta" (Giăng 10:27). Những ai nghe tiếng nói của Thiên Chúa là những người thuộc về Ngài, những người đã được cứu bởi ân điển của Ngài qua đức tin trong Chúa cứu thế Giê Su. Đây là những con chiên nghe và nhận ra giọng nói của Ngài, vì họ biết Ngài là người chăn của họ và họ biết giọng nói của Ngài. Nếu chúng ta muốn nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta phải thuộc về Ngài.

Thứ ba, ta nghe tiếng của Ngài khi ta dành thời gian cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, và nghiền ngẫm nó. Khi ta càng dành nhiều thời gian với Thiên Chúa và Lời của Ngài, thì ta càng dễ dàng nhận ra giọng nói của Ngài và sự dẫn dắt của Ngài. Những nhân viên ngân hàng được đào tạo để nhận biết tiền giả bằng cách nghiên cứu tiền thật một cách kỹ lưỡng để từ đó dễ dàng nhận dạng tiền giả. Chúng ta nên quen thuộc với Lời Chúa để khi Đức Chúa Trời nói chuyện với chúng ta hoặc dẫn dắt chúng ta, nó rõ ràng rằng đó là Đức Chúa Trời. Thiên Chúa nói với chúng ta để chúng ta có thể hiểu được lẽ thật. Mặc dù Thiên Chúa có thể nói bằng giọng nói với loài người, Ngài nói chủ yếu qua Lời Kinh Thánh, và đôi khi qua Đức Thánh Linh đến với lương tâm chúng ta thông qua những hoàn cảnh và thông qua những người khác. Bằng cách áp dụng những gì chúng ta nghe lẽ thật của Kinh Thánh, chúng ta có thể học để nhận ra tiếng nói của Ngài.