Bảng Giải Thích Từ Ngữ
Cách tra Bảng Giải Thích Từ Ngữ
Bảng Giải Thích Từ Ngữ nầy gồm các danh từ riêng và chung quan trọng trong Thánh Kinh. Đối với các danh từ riêng ví dụ như A-háp, Á-châu mà thông thường dùng ngang nối thì chúng tôi để nguyên, còn các danh từ chung hay riêng có các mạo tự đi trước chẳng hạn như Lễ Lều Tạm thì chúng tôi liệt kê phần từ ngữ chính: Lều Tạm trước rồi đến mạo tự: Lễ. Vì thế Lễ Lều Tạm thì Bảng Giải Thích Từ Ngữ sẽ ghi, Lều Tạm, Lễ hoặc muốn tra người Lê-vi thì độc giả phải tìm: Lê-vi, người. Còn những từ ngữ hay đi đôi với nhau như mắng chửi, mão triều, mồ mả, tinh sạch … thì chúng tôi để nguyên theo thứ thự thông thường.
A
NT A-bên Con của A-đam và Ê-va, ông bị anh mình là Ca-in giết chết. (Sáng 4:8).
A-bíp Hay tháng “Ni-san.” Tháng giêng của niên lịch Hê-bơ-rơ. Tên của tháng nầy có nghĩa “hạt lúa non.” Tháng Ni-san bắt đầu mùa xuân, từ khoảng giữa tháng ba đến giữa tháng tư Dương Lịch.
A-chai Vùng Nam Hi-lạp nơi có hai thành phố A-thên và Cô-rinh.
A-háp Vua Giu-đa cùng cai trị với Giô-tham, cha mình từ năm 742 đến năm 735 trước Công nguyên. Sau đó ông cai trị một mình từ năm 732 đến năm 715 trước Công nguyên.
NT A-men Nói A-men tức là đồng ý với những điều người khác nói.
A-nác Dòng dõi của A-nác. Họ thuộc giống người cao lớn và là những chiến sĩ anh dũng. Xem Dân 13:33.
A-ra-rát Một vùng đất xưa kia thuộc U-ra-tu, nay là vùng Đông Thổ-nhĩ-kỳ.
A-ram Một xứ nằm ở phía Bắc nước Ít-ra-en, bao gồm phần lớn nước Xy-ri ngày nay.
A-ram, tiếng Ngôn ngữ A-ram, thứ tiếng chính thức được dùng trong thương mại và ngoại giao ở vùng Cận đông thời xưa, vào thời kỳ các đế quốc A-xy-ri, Ba-by-lôn và Ba-tư. Vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, các công văn thường được viết bằng tiếng A-ram. Tiếng A-ram tương tự như tiếng Hê-bơ-rơ và về sau trở thành ngôn ngữ thông dụng của người Do-thái đồng thời là “ngôn ngữ Hê-bơ-rơ dùng để nói” trong Tân Ước.
NT A-ria-tích, biển Vùng biển nằm giữa Hi-lạp và Ý-đại-lợi, gồm luôn vùng nằm giữa Địa-trung-hải.
NT A-ríp-ba Vua Hê-rốt A-ríp-ba, chắt của vua Hê-rốt Đại đế.
NT A-rôn Anh Mô-se và là thầy tế lễ tối cao đầu tiên của Do-thái.
A-sê-ra Một nữ thần quan trọng của người Ca-na-an. A-sê-ra là vợ của thần Bên và có thể cả thần Ba-anh nữa. Người ta tin rằng nữ thần nầy có thể giúp họ sinh con cái.
A-xy-ri Một quốc gia hùng mạnh nằm phía Đông Bắc nước Ít-ra-en.
NT Á-châu Một vùng địa lý thường được gọi là Tiểu Á, nay là vùng Tây Thổ-nhĩ-kỳ.
Ạc-ta-xét-xe Vua của Ba-tư, cai trị khoảng 465-424 trước Công nguyên. Ông là con của Xét-xe.
ách Cái đòn bằng gỗ nặng đặt ngang qua vai của con người, thường là tôi mọi, hay súc vật để kéo hay khiêng các vật nặng.
NT anh chị em Con cái Chúa trong hội thánh. Mặc dù bản Hi-lạp dùng chữ “anh em” trong các thư tín, nhưng tác giả viết cho toàn thể hội thánh, không phân biệt nam nữ.
NT ánh sáng Từ ngữ nầy dùng để mô tả đặc tính của Thượng Đế. Có nghĩa là nhân từ và chân lý.
NT áo dài Một cái áo tương tự như áo lót dài mặc bên trong.
áo giáp Một loại quân phục bằng sắt mà binh sĩ mặc để bảo vệ thân thể trong chiến tranh.
áo ngắn thánh Hay “ê-phót.” Một loại áo ngắn mà thầy tế lễ tối cao của Ít-ra-en mặc. Xem Xuất 28:6-14.
NT Áp-ra-ham Vị tiên tổ khả kính của dân Do-thái. Qua ông, Thượng Đế hứa tạo nên một dân tộc lớn và ban phúc lành cho toàn dân trên thế giới. Xem thêm Sáng 12:1-3.
Át-tô-rết Hay “Át-tạt-tê,” một nữ thần quan trọng của người Ca-na-an. Vợ của thần Bên và có thể cả thần Ba-anh nữa. Thường được gọi là “Nữ vương trên trời.” Nữ thần nầy được xem như là nữ thần của tình yêu và chiến tranh.
Â
NT âm phủ Nguyên văn là “Ha-đe,” chỗ người chết ở.
NT ân phúc Tình yêu thương và nhân từ mà Thượng Đế vui lòng ban cho con người những ân huệ mà họ không xứng đáng để nhận.
NT ấn Một viên đá nhỏ hay một chiếc nhẫn có khắc hình và dùng để in vào đất sét hoặc sáp nóng để giữ một đầu của cuộn sách. Cái ấn ghi lại một dấu ấn và dùng như một chữ ký, không ai được phép mở trừ người có thẩm quyền.
B
NT Ba-anh Một thần giả được người Ca-na-an tôn sùng. Họ tin rằng thần ấy mang mưa bão đến và giúp cho đất sinh sản ra mùa màng.
Ba-by-lôn Tại những chỗ sau đây: Sáng 10:10; 14:1, 9, Giôs 7:21, Ê-sai 11:11, Đa 1:2,Xa 5:11, thì bản Hê-bơ-rơ dùng từ ngữ “Xi-na” để chỉ định danh từ Su-mê-ri, một vùng đất nằm trong lãnh thổ mà sau nầy gọi là Ba-by-lôn.
NT Ba-la-am Một nhà tiên tri vào thời Cựu Ước được Ba-lác, vua Mô-áp, thuê để nguyền rủa dân Ít-ra-en. Tiên tri nầy không phải là người Ít-ra-en. Xem Dân 22-24.
Ba-san Vùng phía Bắc nước Ít-ra-en, nằm phía Đông sông Giô-đanh.
NT ban ngày Dấu hiệu của sự thánh khiết và chân lý, tiêu biểu cho nước Trời.
NT bàn thờ Một bệ được xây cao hơn xung quanh, một đống đá, hay một cái bàn trên đó người ta dâng của lễ cho Chúa. Một bàn thờ quan trọng được đặt trước đền thờ ở Giê-ru-sa-lem.
bánh kẹp Một loại bánh nướng mỏng không pha men.
Bánh Không Men, Lễ Một lễ thánh và quan trọng mà dân Ít-ra-en và dòng dõi họ phải giữ. Trong thời Cựu Ước lễ nầy bắt đầu vào ngày sau lễ Vượt Qua, nhưng đến thời Tân Ước hai lễ nầy nhập làm một. Để chuẩn bị lễ, dân chúng phải ném bỏ hết men trong nhà và chỉ ăn bánh mì không men trong bảy ngày.
NT bánh thánh Đây là một loại bánh đặc biệt được bày ra trên bàn trong Lều Thánh để dâng lên cho Thượng Đế. Cũng có khi gọi là “bánh trần thiết” hay “bánh của sự hiện diện.” Chỉ có các thầy tế lễ mới được phép ăn bánh ấy. Xem Lê-vi 24:5-9.
NT báp-têm, lễ Từ ngữ Hi-lạp mô tả việc nhúng chìm một người trong giây lát dưới nước. Lễ nầy chứng tỏ quyết định của người ấy thay đổi cuộc sống của mình và trở về cùng Thượng Đế, nhờ Ngài tha tội lỗi của mình. Đối với người tin nhận Chúa Giê-xu thì lễ nầy là một dấu hiệu chứng tỏ niềm tin của người ấy vào sự chết của Ngài để làm sinh tế dâng lên cho Thượng Đế chuộc tội cho mình. Lễ báp-têm làm hình bóng của sự chết, chôn, và sống lại với Chúa Cứu Thế. Lễ báp-têm đánh dấu điểm khởi đầu của đời sống mới trong Chúa Cứu Thế và là một thành phần của dân Chúa. Xem Sứ đồ 2:38; La-mã 6:3; Gal 3:26-28; Côl 2:12-13.
bằng khoán/thẻ chủ quyền Một văn thư xác định quyền sở hữu trên một tài sản. Xem Giê 32.
NT bắt thăm Viên đá, que, hay xương dùng như con súc sắc để quyết định vấn đề gì. Xem Châm 16:33.
NT bầu da Cái bao hay bị làm bằng da thú dùng để đựng rượu.
NT Bê-nít Chị của vua A-ríp-ba, tức con gái trưởng của vua Hê-rốt A-ríp-ba I.
Bên Một trong những tên của thần Mạc-đúc, một vị thần quan trọng nhất của người Ba-by-lôn.
NT bệnh cùi Một trong những chứng bệnh ngoài da. Xem Mác 1:40, 42; Ma 26:6.
NT Bết-xai-đa Một thành phố trên bờ hồ Ga-li-lê mà Chúa Giê-xu thường hay viếng thăm trong khi thi hành chức vụ giảng dạy và làm nhiều phép lạ.
NT bích ngọc Một loại đá quí màu xanh.
NT bọ cạp Một loài côn trùng có nọc độc khi chích rất đau.
NT bóng tối Dấu hiệu về tội lỗi và điều ác, đó là đặc tính của nước Sa-tăng.
bô lão (thời Cựu Ước) Hay “trưởng lão.” Những người đàn ông lớn tuổi giữ vai trò lãnh đạo trong thành phố và thi hành những quyết định quan trọng cho dân chúng.
bổ nhiệm Hay “xức dầu.” Đổ một loại dầu đặc biệt trên người hay vật dụng để chứng tỏ người hay các vật ấy đã được biệt riêng ra cho một mục đích hay công tác đặc biệt nào đó.
NT bông đá Một chất giống như đá, thường có màu tím, đỏ, hay đen được tạo thành do các vi sinh vật dưới biển.
NT bức màn Đây là tấm màn phân chia chỗ thờ phụng bên trong (Nơi Chí Thánh) với phần bên ngoài của Lều Thánh và đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Bức màn nầy tiêu biểu cho hàng rào cản về mặt thiêng liêng, không cho ai vào khi Thượng Đế hiện diện. Lúc Chúa Giê-xu chết, bức màn nầy bị xé làm đôi từ trên xuống dưới (Ma 27:51) tức là biểu hiệu cho thấy là con đường trong đền thờ dẫn vào nơi hiện diện của Thượng Đế từ nay đã được mở ra. Xem thêm Hê 10:19, 20.
C
NT Ca-bê-nâm Một tỉnh nằm trên bờ phía Bắc của hồ Ga-li-lê nơi Chúa Giê-xu hay lui tới và giảng dạy.
NT Ca-in Con trai đầu của A-đam và Ê-va. Anh ta đã giết em mình là A-bên. Xem Sáng 4:1-16.
NT Ca-na-an Vùng đất mà người Ca-na-an sinh sống. Vào thời Giô-suê, dân Ít-ra-en chiến đấu để dành vùng đất nầy và sau cùng chiếm được hầu hết vùng đó. Vùng ấy về sau được gọi là xứ Pha-lét-tin bao gồm nước Do-thái và Li-băng ngày nay.
Các Tuần, Lễ Hay “Lễ Mừng Mùa Gặt.” Một ngày lễ kỷ niệm mùa gặt lúa mì vào mùa xuân, năm mươi ngày sau Lễ Vượt Qua. Trong lễ nầy, phần đầu của mùa màng được dâng lên cho Thượng Đế. Về sau lễ nầy được gọi là Lễ Năm Mươi Ngày (Thất Tuần) theo gốc “năm mươi” trong tiếng Hi-lạp.
NT cải, cây Một loại cây có hột nhỏ nhưng mọc lên cây cao hơn đầu người.
cam tòng Một loại dầu thơm rất đắt giá, được chế biến từ rễ của cây cam tòng.
cảm tạ, của lễ Một của lễ thân hữu mà dân chúng dâng lên cho Thượng Đế để cảm tạ Ngài vì đã ban phúc lành hay làm những điều tốt cho họ. Một phần của con thú dâng lên được thiêu trên bàn thờ, phần còn lại thì dân chúng ăn chung với nhau trong đền thờ. Xem Lê-vi 7:11-26.
Canh-đê, người Một chi tộc quan trọng của xứ Ba-by-lôn. Đôi khi từ ngữ nầy chỉ có nghĩa là “người Ba-by-lôn.” Vua Nê-bu-cát-nết-xa xuất thân từ chi tộc nầy, cũng như các vua khác của Ba-by-lôn. Họ có học thức, nghiên cứu khoa học, lịch sử, ngôn ngữ, và thiên văn. Họ tin rằng họ có thể làm những xảo thuật hay nhìn ngôi sao mà tiên đoán tương lai.
NT cào cào Một loại côn trùng có thể tàn phá mùa màng rất nhanh. Xem Xuất 10. Luật Mô-se cho phép ăn cào cào. Xem Lê-vi 11:21-22.
Cạt-mên Một ngọn núi (hay ngọn đồi) nổi tiếng nằm về phía Bắc nước Ít-ra-en. Vùng núi nầy rất phì nhiêu và nhiều mưa. “Cạt-mên” có nghĩa là “vườn nho của Thượng Đế.” Xem Ê-sai 33:9; 35:2.
cây lác Một loại thảo mộc tương tự như cây sậy dùng để làm giấy viết thời xưa. Người ta cũng dùng loại thảo mộc nầy để làm những đồ dùng khác như giỏ, dép, dây thừng, ngói lợp nhà, và ghe thuyền nữa.
cây sự sống Cây có trái mà ai ăn thì sẽ sống đời đời. Xem Sáng 2:9; 3:22Khải 22:1-2.
NT con cháu Đa-vít Chỉ về những người thuộc gia tộc Đa-vít.
NT Con Đa-vít Một danh xưng của Chúa Cứu Thế (Đấng Mê-si) vì có lời tiên tri cho biết rằng Ngài sẽ xuất thân từ gia đình Đa-vít.
NT con Danh từ “con” trong gia phổ Do-thái đôi khi nghĩa là cháu hoặc thân thuộc xa.
NT Con Người Trong sách Đa 7:13, từ ngữ “Con Người” có nghĩa là một người bình thường, nhưng cũng có nghĩa là con dân của Thượng Đế. Về sau người ta hiểu từ danh từ nầy có tính cách tiên tri và ám chỉ Đấng Mê-si, và là danh xưng mà Chúa Giê-xu hay dùng để chỉ chính mình Ngài.
con vật có cánh Các thiên thần có cánh giống như thiên sứ, phục vụ Thượng Đế, thường canh giữ quanh ngôi Ngài hay các nơi thánh khác. Hai thiên thần nầy được đặt trên Rương Giao Ước để chứng tỏ sự hiện diện của Thượng Đế.
NT Cô-ra-xin Một tỉnh gần hồ Ga-li-lê nơi Chúa Giê-xu thường lui tới giảng dạy và làm nhiều phép lạ.
NT cối đá Hai khối đá tròn và phẳng dùng xay gạo ra bột.
của lễ cảm tạ Một của lễ thân hữu đặc biệt mà dân chúng dâng lên để cảm tạ những điều tốt lành Thượng Đế làm cho họ. Một phần của lễ nầy được thiêu trên bàn thờ, phần còn lại thì dân chúng ăn trong Đền thờ. Xem Lê-vi 7:11-26.
của lễ thiêu Một của lễ dâng lên cho Thượng Đế thường là thú vật đã bị giết và thiêu trên bàn thờ.
cùi, người Người mắc bệnh cùi. Đây là bệnh ngoài da rất ghê tởm. Tuy nhiên trong Thánh Kinh thường liệt bệnh cùi vào một trong những bệnh ngoài da.
NT cuối cùng, ngày Tức là ngày mà Chúa Cứu Thế đến để phân xử mọi người và mang những người thuộc về Ngài về ở với Ngài.
NT cuộn sách Một cuộn dài bằng giấy hay bằng da thuộc dùng để viết.
NT cữ ăn Nhịn ăn trong một thời gian để cầu nguyện hay than khóc.
NT Cứu Thế, Đấng Nguyên văn, “Đấng Được Xức Dầu.” Đây là một danh hiệu xuất xứ từ lễ nghi trong Cựu Ước. Dầu thơm được đổ lên hay xức cho người được bổ nhiệm vào một chức vụ quan trọng, nhất là áp dụng cho nhà tiên tri, thầy tế lễ, hoặc vua để chứng tỏ người ấy đã được Thượng Đế chọn riêng cho chức vụ đó. Tiếng Hê-bơ-rơ gọi là “Đấng Mê-si,” một danh hiệu dùng cho các vua chúa đời Cựu Ước hay cho người được Thượng Đế phái đến làm nhà tiên tri, thầy tế lễ, và vua để dẫn đưa dân chúng trở về lập lại mối tương giao tốt đẹp với Ngài.
NT chập chỏa Một nhạc cụ gồm hai tấm kim loại hình tròn dùng để đập vào nhau, phát ra âm thanh.
chậu xúc Một cái xẻng nhỏ dùng để xúc tro khỏi bàn thờ.
NT Chí Thánh, Nơi Nguyên văn, “Nơi Cực Thánh.” Một phòng quan trọng nhất trong Lều Thánh hay đền thờ nơi có Rương Giao ước. Nơi đó giống như ngai của Thượng Đế ngự, tương tự như vua của Ít-ra-en và cũng là nơi thầy tế lễ tối cao đi vào để yết kiến Thượng Đế trong ngày Đại Lễ Chuộc tội.
NT Chiên Con Một biểu hiệu chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Có nghĩa là Ngài được dâng lên làm sinh tế chuộc tội lỗi bằng chiên con, dùng trong thời Cựu Ước.
chiến lũy Một toà nhà hay một thành phố có vách cao và dầy để bảo vệ.
Chíp, đảo Nguyên văn, “xứ Kít-tim.” Đây có thể là đảo Chíp hay đảo Cơ-rết.
chó rừng Một loại chó hoang sống nơi không người ở. Chúng hay đi săn từng bầy.
Chòi Lá, Lễ Một lễ đặc biệt hằng năm. Vào dịp lễ nầy người Ít-ra-en thời xưa hay Do-thái thời nay ở trong các chòi làm bằng cành cây và lá cây để tưởng nhớ lại sự bảo vệ của Thượng Đế trong thời gian họ lang thang trong sa mạc suốt 40 năm dưới sự hướng dẫn của ông Mô-se. Cũng có khi gọi là Lễ Lều Tạm. Xem Lê-vi 23:33-36, 39-43.
Chóp trụ Một đỉnh bằng đá hay gỗ được chạm khắc đặt lên trên mỗi trụ chống đỡ mái của một toà nhà.
CHÚA Nguyên văn, “Gia-vê.” Danh hiệu của Thượng Đế bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Thường được dịch là “CHÚA.” Trong nguyên gốc Hê-bơ-rơ, từ ngữ nầy có nghĩa là “Đấng Hiện hữu” hay “Đấng Tạo Hóa.” Một vài bản Thánh Kinh dùng chữ “Giê-hô-va.”
NT Chuẩn bị, ngày Ngày thứ sáu, tức là hôm trước ngày Sa-bát.
chuộc lỗi, của lễ Hay “của lễ tẩy sạch.” Một loại sinh tế hay của lễ dâng lên cho Thượng Đế để làm sạch những ô dơ để khiến cho người dâng của lễ được phép thờ kính Thượng Đế trở lại.
chuyên gia luật Hay “học giả.” Lúc đầu từ ngữ nầy mô tả những người chuyên về đọc và viết. Đến thời Tân Ước thì những người nầy trở thành một giai cấp xã hội và chính trị đặc biệt. Vì họ chuyên chép Thánh Kinh và ghi lại những lời giải thích của Luật lệ Mô-se, cho nên nhiều người trở nên chuyên gia luật pháp và được dân chúng kính nể trong vai trò giáo sư, luật sư hay quan án.
D
NT dân thánh Nguyên văn, “thánh đồ.” Từ ngữ nầy dùng trong Tân Ước để chỉ các tín hữu của Chúa Giê-xu là những người đặc biệt của Thượng Đế. Họ trở nên thánh là vì họ đã được tinh sạch hóa qua Chúa Cứu Thế và thuộc riêng cho Thượng Đế.
dâng hiến Hay “biệt riêng.” Dâng lên một món gì cho Thượng Đế với lời cam kết rằng món ấy chỉ được dùng cho Ngài. Hoặc biệt riêng một món gì cho một mục đích đặc biệt, và chỉ được dùng cho mục đích ấy mà thôi.
NT di chúc Một văn kiện pháp lý qui định cách phân phối tiền bạc và tài sản của người viết di chúc sau khi người ấy qua đời. Từ ngữ nầy trong tiếng Hi-lạp cũng đồng nghĩa với danh từ “giao ước.”
NT dị tượng Hay “khải tượng.” Hiện tượng, tương tự như chiêm bao mà Thượng Đế dùng để nói với con người.
NT Do-thái, tiếng Tiếng Hê-bơ-rơ hay A-ram. A-ram là một thứ tiếng tương tự như tiếng Hê-bơ-rơ mà nhiều người Do-thái dùng vào thế kỷ thứ nhất.
NT dương bì, cắt Cắt miếng da đầu bộ phận sinh dục của phái nam. Lễ nầy được làm cho tất cả các bé trai Do-thái. Đó là dấu hiệu của Giao ước mà Thượng Đế lập với Áp-ra-ham. Xem Sáng 17:9-14.
Đ
Đa-gôn, thần Một thần giả mà dân Ca-na-an thờ cúng để được trúng mùa. Khi người Phi-li-tin đến định cư ở Ca-na-an, họ chọn thần Đa-gôn làm thần chính của mình.
NT Đa-vít Vị vua nổi tiếng nhất của Ít-ra-en. Ông trị vì khoảng 1.000 năm trước Chúa Cứu Thế. Không những ông là một nhà quân sự và là một lãnh tụ chính trị tài giỏi, ông cũng là một người rất thiêng liêng và là một nhạc sĩ lỗi lạc. Ông đã viết nhiều khúc Thi thiên. Ông lập kế hoạch xây Đền thờ đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem (“thành Đa-vít”) nhưng do con ông là Sô-lô-môn hoàn tất. Thánh Kinh nói rằng một trong những con cháu của Đa-vít sẽ được Thượng Đế chọn làm đấng Mê-si tức là vua. Vua ấy sẽ thành lập một vương quốc đời đời. Vì lý do đó mà đôi khi Chúa Giê-xu được gọi là “Con cháu Đa-vít.”
Đa-vít, thành Tức thành Giê-ru-sa-lem, đặc biệt là vùng Đông Nam và phần cổ nhất của thành phố.
đà điểu, chim Một loại chim có chân và cổ dài, không bay được nhưng chạy rất nhanh. Đây là loại chim lớn và mạnh nhất trong các loài chim. Chúng thường sống trong vùng sa mạc.
NT đá góc nhà Viên đá đầu tiên và quan trọng nhất trong cả toà nhà.
đại lễ chuộc tội Còn gọi là “Yom Kippur,” một ngày thánh và rất quan trọng cho dân Do-thái. Vào ngày ấy thầy tế lễ tối cao đi vào Nơi Chí Thánh để làm những nghi thức hóa thánh cho nơi ấy và chuộc tội hay xoá tội cho dân chúng. Xem Lê-vi 16:1-34; 23:26-32.
NT đạo đức giả Hay “giả hình.” Làm bộ như là mình tốt trong khi che giấu những âm mưu xấu.
NT Đạo Danh hiệu mà những người theo Chúa Cứu Thế dùng để bày tỏ niềm tin của họ. “Đạo” tức con đường đi đến cùng Thượng Đế qua Chúa Giê-xu.
NT đặt tay Hành động nầy là một cách xin Thượng Đế ban phúc cho người nào một cách đặc biệt-để chữa lành hoặc xin Thánh Linh ngự trên người ấy hay ban cho họ có năng quyền để thi hành một công tác đặc biệt.
đập lúa, sân Một sàn gỗ hay có bề mặt cứng dùng để đập cho hạt lúa rơi ra khỏi nhánh lúa hay nghiền cho vỏ lúa (trấu) rơi ra khỏi hột lúa.
NT đầu lòng, con Con đầu tiên sinh ra trong gia đình. Vào thời xưa vai trò của con đầu lòng rất quan trọng vì người con nầy thay thế cho cha khi người cha qua đời. Từ ý niệm nầy con đầu lòng được xem như là người đóng vai danh dự, có địa vị đáng kính. Trong Tân Ước Chúa Giê-xu được mô tả là con đầu lòng trong gia đình Thượng Đế. (Thời Cựu Ước, danh hiệu nầy cũng được dùng để mô tả Đấng Mê-si.) Xem Thi 89:27.
NT đêm Đây nói bóng về thế giới tội lỗi chúng ta đang sống. Thế giới nầy sẽ chấm dứt một ngày gần đây.
NT đền thờ Một toà nhà cố định ở Giê-ru-sa-lem, thay thế cho “Lều Thánh” mà dân Ít-ra-en dùng từ lúc họ đi lang thang trong sa mạc cho đến triều đại Sô-lô-môn khi đền thờ đầu tiên được xây cất. Đền thờ, cũng như Lều Thánh, là trung tâm thờ phụng của người Do-thái (Ít-ra-en) mặc dù toà nhà nầy được xem như là “nhà cầu nguyện cho muôn dân.”
NT Đình nghị Một hội đồng hay một nhóm gồm các lãnh tụ quan trọng ở A-thên, Hi-lạp. Họ đóng vai trò tương tự như thẩm phán.
đoàn thương gia Một nhóm các thương gia mang hàng hoá từ nơi nầy sang nơi kia để bán.
đồng Một thứ kim loại gồm có đồng trộn với thiếc. Trong tiếng Hê-bơ-rơ danh từ “đồng” cũng có nghĩa là “thau.”
NT đồng bạc Hay đồng “đơ-na-ri,” một loại tiền đồng của La-mã đáng giá một ngày công.
đồng bóng Người tìm cách liên lạc với linh hồn của những người đã chết.
NT động kinh Một chứng bệnh thần kinh gây cho bệnh nhân thỉnh thoảng nổi kinh phong (tay chân co quắp) hay té xuống bất tỉnh.
đơn vị đo lường của Nơi Thánh Nguyên văn, “sê-ken của Nơi Thánh.” Tức là đơn vị đo lường dùng trong Đền Tạm (Lều Thánh) và đền thờ.
E
NT ép nho, máy Một lỗ đục trong đá để nghiền nho lấy nước làm rượu.
Ép-ra-im Con thứ hai của Giô-xép và cũng là tên của một trong 12 chi tộc Ít-ra-en. Đôi khi từ nầy được dùng cho quốc gia miền Bắc của Ít-ra-en vì Ép-ra-im là chi tộc lớn nhất của quốc gia ấy.
Ê
Ê-đôm Một xứ nằm về phía Đông Nam Giu-đa. Cũng có khi gọi là Sê-ia, theo tên của dãy núi ở Ê-đôm. Người Ê-đôm là con cháu của Ê-sau, anh em sinh đôi với Gia-cốp. Họ thù nghịch với dân Ít-ra-en.
NT Ê-li Một nhân vật phát ngôn thay cho Thượng đế. Ông sống trước Chúa Cứu Thế mấy trăm năm. Xem I Vua 17.
NT Ê-li-sê Một nhà tiên tri phụ tá cho nhà tiên tri Ê-li và tiếp tục chức vụ của Ê-li sau năm 850 trước công nguyên.
ê-phót Một áo ngắn do thầy tế lễ tối cao của Ít-ra-en mặc (xem Xuất 28:6-14; 39:1-7). Có khi là một chiếc áo mặc để làm chức vụ tế lễ như cậu bé Sa-mu-ên (I Sam 2:18) hay Đa-vít (II Sam 6:14). Ê-phót cũng là một vật dùng để tìm hiểu lời đáp của Thượng Đế (I Sam 23:6-12; 30:7-8). Vì thế cho nên người ta cho rằng cái áo của thầy tế lễ tối cao mặc có một túi đựng các con súc sắc. Trong Quan 8:27 Ghi-đê-ôn dùng vàng để làm một cái ê-phót. Trong trường hợp nầy ê-phót có nghĩa là một hình tượng nhưng cũng có thể là chiếc áo bao hình tượng ấy.
Ê-sau Anh em sinh đôi với Gia-cốp. Từ ngữ nầy cũng dùng để chỉ Ê-đôm. Người Ê-đôm là dòng dõi của Ê-sau.
Ê-thi-ô-bi Hay “Cút.” Một quốc gia ở Phi-châu nằm kế cận Hồng hải.
Ê-xê-chia Vua của Giu-đa, trị vì khoảng 715-686 trước Công nguyên.
G
NT gai mịn, vải Loại vải làm bằng sợi của cây đay.
Ghi-bê-a Một địa điểm mà vài người Bên-gia-min đã phạm tội ghê gớm.
Ghi-lê-át Vùng nằm về phía Đông sông Giô-đanh, nơi các chi tộc Ru-bên, Gát và phân nửa chi tộc Ma-na-xe định cư.
ghi-tít Đây có thể là một nhạc cụ, một giọng, một loại nhạc, hay một người trình diễn trong ban nhạc của đền thờ như Ô-bết Ê-đôm người Gát. Xem I Sử 15:21; 16:4-7.
Ghinh-ganh Một thành phố nơi dân chúng thờ phụng Thượng Đế nhưng về sau trở thành nơi họ thờ các thần giả.
góc của bàn thờ Hay “sừng của bàn thờ” (xem thêm từ ngữ nầy). Các góc của bàn thờ có hình giống cái sừng. Bàn thờ được đặt trong sân đền thờ và dùng để dâng các sinh tế. Xem Xuất 27:2; 38:2. Bàn thờ dâng hương trong Lều Thánh cũng có hình giống cái sừng. Luật pháp Mô-se nói rằng ai vô tình giết người (không phải cố ý) có thể chạy đến Lều Thánh và nắm các sừng của bàn thờ, họ sẽ được bảo vệ khỏi bị báo thù. Xem Xuất 21:12-14.
gốm, thợ Thợ làm đồ vật bằng đất sét. Trong tiếng Hê-bơ-rơ từ ngữ nầy cũng có nghĩa là “người sáng tạo.”
NT Gia-cốp Một tên khác của Ít-ra-en. (Xem Sáng 32:22-28.) Ông là một vị tiên tổ quan trọng của dân Ít-ra-en, còn gọi là dân Do-thái. Ông có 12 con trai, từ đó sinh ra mười hai chi tộc của Ít-ra-en.
Gia-vê Từ ngữ Hê-bê-rơ chỉ Thượng Đế và thường được dịch là CHÚA. Gia-vê trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Ngài hiện hữu” hay “Ngài tạo ra mọi vật.”
NT Giao ước cũ Hay “Giao ước đầu tiên.” Khế ước hay giao ước mà Thượng Đế trao cho dân Ít-ra-en khi Ngài ban cho họ luật pháp của Mô-se.
Giao Ước, Hộp Hay “Rương Giao Ước.” Nơi Chí Thánh trong đền thờ thời Cựu Ước trong đó có một cái hộp bằng gỗ bọc vàng. Trong hộp có đựng giao ước mà CHÚA ban cho dân Ngài. Xem Xuất 25:10-22; I Vua 8:1-9; Hê 9:4.
NT Giao Ước Thỏa hiệp giữa Thượng Đế và dân Ngài. Thỏa hiệp hay giao ước nầy được Thượng Đế trao cho dân Ngài ở núi Si-nai, dựa trên Luật pháp của Mô-se. Thỏa hiệp ấy trở thành một văn kiện tối quan trọng cho dân Do-thái. Văn kiện đó thay thế hay nhắc lại các giao ước khác, chẳng hạn như giao ước thiết lập trước kia với Áp-ra-ham. Trong thời Tân Ước, giao ước ấy được gọi là giao ước “đầu tiên” hay giao ước “cũ.” Sau khi Chúa Giê-xu đến và hi sinh mạng sống Ngài để đền tội cho nhân loại thì Thượng Đế ban cho dân Ngài một giao ước “mới” và “tốt hơn” dựa theo sự hi sinh của Chúa Cứu Thế.
NT Giao ước mới Giao ước “tốt hơn” mà Thượng Đế ban cho dân của Ngài qua Chúa Cứu Thế.
Giao Ước, Rương/Hộp Một hộp đặc biệt được đặt Nơi Chí Thánh trong Lều Thánh của người Ít-ra-en, và về sau được đặt trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Hộp nầy làm bằng gỗ bọc vàng bên trong đựng các bảng đá ghi Mười Huấn Lệnh để làm bằng cớ về giao ước giữa Thượng Đế và dân Ngài. Có vài chỗ trong Thánh Kinh dùng từ ngữ “Hộp chứng cớ” hay “Chứng cớ.” Xem Xuất 25:10-22; I Vua 8:1-9; Hê 9:4.
Giăng Báp-tít Người được Thượng Đế chọn để loan báo cho dân chúng biết rằng Đấng Cứu Thế sắp đến (Ma 3; Lu 3) và chuẩn bị họ bằng cách cảnh cáo rằng mọi người phải ăn năn. Ông làm phép báp-têm (xem từ ngữ nầy) cho họ. Phép báp têm là dấu hiệu thực sự ăn năn. Xem Ma 3; Mác 1:1-11; Lu 1:5-25, 57-80; 3:1-18.
NT Giăng Tức Giăng Báp-tít, người giảng rằng Đấng Cứu Thế sắp đến (Ma 3; Lu 3).
giấy mua Hay “bằng khoán.” Một văn kiện chứng minh sở hữu chủ của một tài sản.
NT Giê-rê-mi Một nhà tiên tri của Thượng Đế. Ông sống vào khoảng 600 năm trước Công nguyên.
NT Giô-suê Lãnh tụ quân sự của dân Ít-ra-en. Ông kế vị Mô-se sau khi Mô-se qua đời. Giô-suê hướng dẫn dân chúng vào đất mà Thượng Đế hứa cho họ.
NT Giô-tham Vua của nước Giu-đa. Ông trị vì cùng với U-xia, cha mình từ năm 750 đến năm 740 trước Công nguyên và cai trị một mình từ năm 740 đến năm 732 trước Công nguyên.
NT Giu-đa Một trong 12 con trai của Gia-cốp (Ít-ra-en); cũng là tên của một chi tộc sau nầy thành lập một quốc gia mang tên ấy. Thường được mô tả là “quốc gia miền Nam,” gồm có những chi tộc Ít-ra-en sống ở miền Nam xứ Pha-lét-tin, còn các chi tộc miền Bắc liên kết thành “quốc gia miền Bắc” mang tên là xứ Ít-ra-en.
H
NT Ha-đe Thế giới vô hình của người chết.
NT hạnh phúc Phúc lành do Thượng Đế ban cho.
Hẹt-mét Một vị thần của Hi-lạp. Người Hi-lạp cho rằng thần nầy là sứ giả của các vị thần khác.
NT Hê-rốt, đảng Một đảng chính trị theo phe Hê-rốt và gia đình ông ta. Đảng nầy hợp tác với nhóm Pha-ri-xi để ngăn cản sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu.
NT Hê-rốt (1) Hê-rốt I (gọi là Hê-rốt Đại đế), vua của xứ Giu-đa và toàn thể xứ Pha-lét-tin (trị vì từ năm 40-4 trước Công nguyên). (2) Hê-rốt Ăng-ti-ba, con của Hê-rốt Đại đế, vua chư hầu xứ Ga-li-lê và miền Phê-rê. Trị vì từ năm 4 trước Công nguyên đến năm 39 sau Công nguyên. (3) Hê-rốt A-ríp-ba I, cháu của Hê-rốt Đại đế, vua của xứ Pha-lét-tin. Trị vì năm 37-44 sau Công nguyên.
hiến dâng Dâng một vật gì cho Thượng Đế với lời hứa nguyện rằng vật ấy chỉ được dùng cho Ngài hay cho một mục đích đặc biệt nào đó thôi.
hoa huệ Một loại hoa ngoài đồng. Sách Tình Ca của Sô-lô-môn nói đến hoa huệ, hoa nầy có lẽ màu trắng.
Hoan hỉ, năm Một dịp lễ đặc biệt để loan báo nô lệ được giải phóng và đất đai trở về chủ cũ.
NT hoạn quan Một viên chức hay quan lại chăm sóc các cung nữ của vua chúa mình. Thường thường viên chức nầy đã bị hoạn hay thiến cho nên không thể nào làm tình được.
hoàng dương/sơn dương Một con vật nhỏ giống như con nai con.
NT hoàng đế Lãnh tụ của đế quốc La-mã. Đế quốc nầy gồm hầu hết khu vực trên thế giới mà người ta biết lúc bấy giờ.
NT học giả Tiếng Hi-lạp là “ma-gai,” có lẽ ám chỉ những học giả chuyên nghiên cứu các ngôi sao để tiên đoán tương lai.
Hô-rếp, núi Một tên khác của núi Si-nai.
NT hội đường Nơi người Do-thái họp lại để cầu nguyện, học Thánh Kinh, hoặc dùng vào các buổi họp công cộng khác.
NT hội thánh Nguyên văn, “hội chúng” hay “cộng đồng,” tức là những người được chọn vào gia đình của Thượng Đế qua niềm tin chung trong Chúa Cứu Thế. Từ ngữ nầy thường dùng để chỉ nhóm tín hữu cùng họp lại hoặc cùng sống trong một địa phận, nhưng đồng thời cũng dùng để chỉ cộng đồng tín hữu của Chúa Cứu Thế trên toàn thế giới.
NT hồng ngọc Một loại đá quí có thể dùng để khắc.
hớt tim đèn, dụng cụ Những dụng cụ dùng để dập tắt đèn.
hương Một loại nhựa cây được phơi khô khi đốt lên có hương thơm, thường dùng với của lễ dâng lên cho Thượng Đế.
I
NT Ít-ra-en Tên khác của Gia-cốp (xem Sáng 32:24-28) và cũng là tên của một dân tộc mà Thượng Đế chọn để thực hiện chương trình ban phúc của Ngài cho nhân loại qua Đấng Mê-si (xem từ ngữ nầy).
Ít-ra-en, người Ít-ra-en là dân tộc xuất thân từ Gia-cốp (xin xem thêm từ ngữ Ít-ra-en). Từ ngữ nầy cũng được dùng trong Thánh Kinh để ám chỉ toàn dân của Thượng Đế.
K
NT Kẻ Ác Ma-quỉ hay Sa-tăng, kẻ cầm đầu các quỉ và là kẻ thù của Thượng Đế.
Kê-đa Một bộ lạc Á-rập sống trong vùng sa mạc phía Đông Nam xứ Giu-đa.
Kê-mốt, thần Thần chính của nước Mô-áp.
NT kên kên Có khi gọi là “chim ưng,” một loại chim săn mồi, hay ăn thịt của các con thú chết.
kiết lỵ, bệnh Một bệnh trong ruột khiến đau bụng và đi tiêu chảy.
NT kinh giới, cây Một loại thảo mộc có nhánh và lá nhỏ thường được dùng để rưới huyết và nước trong các lễ nghi tẩy sạch.
NT khải tượng Hiện tượng giống như giấc mộng mà Chúa dùng để nói chuyện với người. Có khi gọi là dị tượng.
NT khải thị Khải thị tức là tiết lộ chân lý đã được giấu kín.
khăn quấn đầu Một cái khăn quấn tròn trên đầu hay quanh một chiếc mũ đội trên đầu.
NT không men Thường nói đến loại bánh không pha men hay có chất làm cho bột dậy lên.
không tinh sạch Không tinh khiết hay không thể chấp nhận được. Nếu dùng cho thú vật thì ám chỉ những con thú không được phép ăn. Nếu nói về đồ vật thì ám chỉ vật không thánh khiết, không thể dùng để thờ kính Thượng Đế. Nếu nói về người thì ám chỉ người ấy không xứng đáng hay thích nghi để hiện diện trong khu vực Lều Thánh hay không được phép tham dự các lễ nghi thờ kính Thượng Đế ở đó. Xem Lê-vi 11-15 để biết thêm về những luật lệ liên quan đến những gì sạch hay không sạch trong Cựu Ước.
khung dệt/khung cửi Một loại máy dùng để dệt vải.
L
NT Lau-đia Hoàng đế La-mã trị vì năm 41-54 sau Công nguyên.
Lê-vi Một trong 12 chi tộc Ít-ra-en. Những người thuộc chi tộc nầy được chọn làm thầy tế lễ hay có nhiệm vụ giúp đỡ trong Lều Thánh hoặc trong đền thờ. A-rôn là thầy tế lễ đầu tiên xuất thân từ chi tộc nầy. Về sau có một số người Lê-vi phục vụ trong cơ quan nhà nước.
NT Lê-vi, người Người Lê-vi là những người thuộc chi phái Lê-vi có nhiệm vụ giúp đỡ các thầy tế lễ Do-thái trong đền thờ. Xem thêm I Sử 23:24-32.
Lều Giao Ước Nguyên văn, “Lều Chứng Cớ.” Lều trong đó có Rương Giao Ước. Xem “Lều Thánh.”
Lều Họp Xem “Lều Thánh.”
NT Lều Tạm, Lễ Một tuần lễ đặc biệt mỗi năm. Trong dịp lễ ấy người Do-thái ở trong các chòi, hay lều để nhớ lại thời gian họ phải lang thang trong sa mạc 40 năm vào thời Mô-se.
NT Lều Thánh Hay “Lều Tạm.” Một cái lều đặc biệt mô tả trong Luật của Mô-se, nơi Thượng Đế ngự giữa dân Ngài, cũng là nơi các thầy tế lễ Ít-ra-en thi hành nhiệm vụ của họ. Cũng được gọi là “Lều Họp” vì đó là nơi dân Ít-ra-en tập họp để gặp Thượng Đế. Lều nầy được dùng cho đến khi vua Sô-lô-môn xây đền thờ tại Giê-ru-sa-lem.
lính canh Một lính tuần đứng trên vách thành để quan sát các binh sĩ thù nghịch và báo cho dân chúng biết sắp có nguy biến.
lô hội Loại dầu lấy từ một loại cây có hương thơm thường dùng làm dầu thơm (xem Thi 45:8; Châm 7:17) dùng để tẩm liệm xác chết trước khi chôn hay là loại nước đắng lấy từ một loại cây xương rồng.
NT luật lệ Hay “luật pháp.” Thường chỉ về luật pháp của Thượng Đế được mô tả trong luật lệ của Mô-se cùng những qui tắc Ngài ban cho dân Ít-ra-en qua Mô-se. (Xem Xuất 34:29-32.) Đôi Khi có nghĩa là nguyên tắc của luật pháp chứ không hẳn một luật lệ đặc biệt nào.
lữ hành, đoàn Một đoàn thương gia dùng thú vật để mang hàng hoá từ nơi nầy sang nơi khác.
NT lưỡi liềm Nông cụ gặt hái lúa có lưỡi cong.
lưu đày Hay “biệt xứ.” Sống xa quê hương, đôi khi vì lý do ngoài ý muốn.
lựu, trái Một loại trái có nhiều hột nhỏ, xung quanh có bọc một chất nước ngọt.
M
NT ma-na Một loại thực phẩm đặc biệt mà Thượng Đế cung cấp cho dân Ít-ra-en trong thời gian 40 năm họ lưu lạc trong sa mạc. Mỗi ngày họ phải lượm ma-na trên mặt đất để mang về dùng. Xem Xuất 16:4-36.
NT ma thuật Sử dụng quỉ thuật hay quyền lực của Sa-tăng.
NT Ma-xê-đoan Vùng phía bắc xứ Hi-lạp nơi có hai thành phố Tê-sa-lô-ni-ca và Phi-líp.
Mạc-đúc Vị thần quan trọng nhất của người Ba-by-lôn.
mạch-kinh Nghĩa của từ ngữ nầy không ai rõ lắm. Có thể là một “bài thơ suy tư,” “bài thơ giáo huấn,” hay “một bài thơ tuyệt cú.”
NT mái nhà Phần trên cùng của nhà. Trong thời kỳ Thánh Kinh được viết, nhà cửa của người Do-thái thường có mái phẳng để dùng phơi trái cây hoặc rơm rạ. Có khi dùng để làm thêm phòng ở, nơi thờ phụng hoặc chỗ ngủ lúc mùa hè.
màn trong đền thờ Bức màn phân chia nơi Chí Thánh với những phần khác trong đền thờ, đó là một tòa nhà đặc biệt ở Giê-ru-sa-lem nơi Thượng Đế truyền cho dân Do-thái cách thờ phụng Ngài.
NT mão triều Nguyên văn là “vòng hoa.” Một cái vòng kết bằng lá và nhánh cây được đặt lên đầu của những người thắng các cuộc tranh tài về thể thao để tỏ lòng ngưỡng mộ họ. Đó là dấu hiệu của phần thưởng và chiến thắng.
mắng chửi Hay “nguyền rủa.” Cầu mong cho những điều xấu xảy đến cho người hay vật gì.
NT men Chất làm cho bột dậy lên. Nghĩa rộng là ảnh hưởng tốt hay xấu.
Mê-đi và Ba-tư Đế quốc Mê-đi Ba-tư. Đế quốc nầy đánh bại đế quốc Ba-by-lôn vào năm 539 trước Công nguyên.
NT Mê-si, Đấng Đây là từ ngữ Hê-bơ-rơ, có nghĩa là “Đấng Cứu Thế” trong tiếng Hi-lạp. Đó là danh hiệu các vua của dân Thượng Đế trong Cựu Ước và danh hiệu của vua mà Thượng Đế hứa sai đến để đánh bại điều ác và thiết lập nước của Ngài. Nhiều nhà tiên tri cho thấy rằng vương quốc của Thượng Đế sẽ còn đời đời. Nghĩa là không những Đấng Mê-si sẽ mang lại thời kỳ công bằng và hoà thuận với Thượng Đế nhưng nước Ngài kéo dài quá cuộc đời tạm nầy cho đến mãi mãi với Thượng Đế. Tuy nhiên nhiều người Do-thái vào thế kỷ thứ nhất tin rằng Đấng Mê-si là một lãnh tụ chính trị trên đất nầy. Vị lãnh tụ ấy sẽ chiến thắng các quốc gia khác và phục hồi lại thời đại hoàng kim của dân Ít-ra-en. Nhưng Thượng Đế muốn Đấng Mê-si thiết lập một nước “Ít-ra-en mới,” một vương quốc đời đời, làm nguồn phước cho mọi dân tộc.
NT Mên-chi-xê-đéc Một thầy tế lễ và là vua, ông sống đồng thời với Áp-ra-ham (xem Sáng 14:17-24).
Mi-lô Rất có thể là một vách có nền bằng đá xây trên một bờ dốc nằm về phía Đông Nam khu vực đền thờ ở Giê-ru-sa-lem.
mịch-tâm Nghĩa của từ ngữ nầy không rõ. Có thể nghĩa là “một bài ca được biên soạn cẩn thận.”
Minh-côm Một vị thần mà người Am-môn thờ, có lẽ cũng như thần Mô-léc. Xem I Vua 11:5, 7.
Mô-áp Một xứ nằm phía Đông của Biển Chết, mang tên của một trong những con trai của Lót.
Mô-léc Hay “Minh-côm.” Một vị thần của người Am-môn. Xem I Vua 11:5, 7.
NT Mô-se Một trong những lãnh tụ quan trọng nhất của người Ít-ra-en vào thời Cựu Ước. Thượng Đế dùng ông để truyền luật lệ của Ngài cho dân Ít-ra-en, thường được gọi là “Luật Mô-se.”
NT mộc dược Vỏ cây của một loại thảo mộc có hương thơm dùng để tẩm xác trước khi chôn cất.
mồ mả/Sê-ôn Nơi người chết ở. Từ ngữ nầy thường dùng làm nghĩa bóng cho cái chết. Mồ mả hay mộ cũng có nghĩa là một hốc đào trong vách đá hay một toà nhà nhỏ để chôn người chết.
mốc, vết Một loại mốc thường xuất hiện trên áo quần, đồ bằng da, hay gỗ khi những vật nầy để ở nơi ẩm thấp. Trong tiếng Hê-bơ-rơ từ ngữ nầy cũng có nghĩa là “bệnh cùi” hay “bệnh ngoài da.”
mùa gặt, Lễ Một ngày dành riêng để ăn mừng mùa gặt lúa mì vào mùa xuân, năm mươi ngày sau Lễ Vượt Qua. Vào lễ nầy người ta dân phần đầu tiên của mùa màng cho Thượng Đế. Thường hay gọi là “Lễ Các Tuần,” sau nầy gọi là “Lễ Thất Tuần” hay “Lễ Năm Mươi Ngày” do tiếng Hi-lạp có nghĩa là Năm Mươi.
mương/rãnh Một cái rãnh hay ống để dẫn nước từ nơi nầy đến nơi khác.
N
Na-xi-rê, người Người đã có một lời cam kết đối với Thượng Đế. Trong tiếng Hê-bơ-rơ thì từ ngữ nầy có nghĩa là “biệt riêng ra” hay “hiến dâng.” Người Na-xi-rê hứa nguyện biệt riêng mình ra cho Thượng Đế bằng cách giữ một số điều kiện như không cắt tóc, hoặc uống rượu.
NT Nam Hi-lạp Vùng miền Nam Hi-lạp, nơi có hai thành phố A-thên và Cô-rinh. Có khi gọi là A-chai.
Nắp nhân ái/Nắp thương xót Phần trên cùng của Rương Giao Ước. Trong tiếng Hê-bơ-rơ từ ngữ nầy có nghĩa là “nắp” hay “nơi tội lỗi được tha thứ hay bôi xóa.”
Nê-ghép Vùng sa mạc miền Nam xứ Giu-đa.
Nê-phi-lim Một giống người siêu nhân sống vào thời kỳ trước cơn đại hồng thủy. Có khi dịch là “người khổng lồ.” Có thể xuất xứ từ tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “người đã ngã xuống.” Về sau Nê-phi-lim dùng để chỉ gia đình nổi tiếng, sản xuất ra những chiến sĩ cao lớn và gan dạ. Xem Sáng 6:2-4; Dân 13:32-33.
Ni-san Xem “A-bíp.”
NT nơi cao/đồi cao Một nơi thờ phụng, thường là trên đỉnh đồi, đỉnh núi, hay một cái bục. Thường thường nơi cao là những nơi người ta thờ phụng Thượng Đế nhưng có khi người ta dùng để thờ cúng các thần giả.
Nơi Chí Thánh Nguyên văn, “nơi cực thánh,” một gian phòng quan trọng nhất trong Lều Thánh hay Đền Thờ nơi đặt Rương Giao Ước. Nơi ấy giống như ngôi Thượng Đế. Thầy tế lễ tối cao chỉ được vào nơi đó mỗi năm một lần vào ngày Đại Lễ Chuộc Tội.
NT Nơi Thánh Một gian phòng trong Lều Thánh (Đền Tạm) và trong đền thờ mà các thầy tế lễ của dân Ít-ra-en dùng để lo công việc của Thượng Đế.
Nữ vương trên trời Có lẽ là tên của nữ thần Át-tạt-tê. Đây là thần của tình dục và chiến tranh mà dân Mê-sô-bô-ta-mi thờ phụng. Họ cho rằng nữ thần nầy giống như Kim-Tinh (Venus), một trong những tinh tú trên bầu trời.
NT nước nho Sản phẩm của dây nho; cũng có thể dịch là “rượu nho.”
nước nhờn Chất lỏng tiết ra từ thân thể người ta gồm có mủ từ vết thương, tinh trùng của đàn ông, hay máu huyết của đàn bà có kinh nguyệt.
NT Nước Trời Vương quốc của Thượng Đế gồm những người đặt mình dưới quyền quản trị của Ngài bằng cách chấp nhận Chúa Giê-xu làm Đấng Mê-si. Khi người nào dâng đời sống mình cho Chúa Giê-xu, họ trở thành công dân của Nước Trời và bắt đầu hưởng được những ân phúc mà Ngài hứa cho dân Ngài. (Lưu ý rằng trong sách Ma-thi-ơ từ ngữ “Nước Thiên Đàng” thường được dùng thay cho “Nước Trời” vì người Do-thái tránh dùng từ ngữ “Trời” hay “Thượng Đế” trong lúc nói chuyện bình thường.)
ngày cuối cùng Tức là ngày mà Chúa Cứu Thế đến để phân xử mọi người và mang những người thuộc về Ngài về ở với Ngài.
Ngày Chuẩn bị Ngày thứ sáu, tức là hôm trước ngày Sa-bát.
NT ngày Nói bóng về thời kỳ phước hạnh sẽ đến khi tất cả chúng ta được ở với Thượng Đế.
ngoài da, bệnh Thường được dịch là “bệnh cùi,” nhưng từ ngữ Hê-bơ-rơ nói đến bất cứ loại bệnh ngoài da nào tạo ra vết lở hay mụn trên da.
NT ngoại tình, tội Phá giao ước hôn nhân bằng cách phạm tội nhục dục với người khác.
NT ngọc Một loại đá quí có thể dùng để khắc hay dùng làm trang sức.
NT ngôn ngữ Có thể dịch là “tiếng nói.”
NT ngục tối Một lỗ sâu dưới đất, chẳng hạn như cái hang. Thường dùng để làm nơi giam giữ tù nhân.
nguyền rủa, lời Lời mong muốn hay cầu xin những điều xấu xảy ra cho người hay vật. Xem thêm “mắng chửi.”
người của Thượng Đế Một danh hiệu khác chỉ về nhà tiên tri. Xin xem thêm từ ngữ “nhà tiên tri.”
người gác/lính canh Một binh sĩ có nhiệm vụ đứng trên vách thành, quan sát quân nghịch và cảnh cáo dân chúng khi quân thù đến.
nhạc trưởng Danh hiệu nầy thường được ghi ở phần đầu của nhiều chương trong Thi thiên. Cũng có nghĩa là “người đánh đàn.”
nhai lại, thức ăn Thức ăn được đưa lên từ bao tử của một số thú vật như trâu bò để chúng nhai lại cho kỹ.
nhân ái, ngôi Hay “nắp thi ân.” Phần trên cùng của Rương Giao ước. Trong tiếng Hê-bơ-rơ thì từ ngữ nầy có nghĩa là “nắp,” hay “nơi tội lỗi được bôi xóa hoặc tha thứ.”
NT nhịn ăn Còn gọi là “cữ ăn” Người ta nhịn ăn để dành riêng cầu nguyện và thờ phụng Thượng Đế. Cũng có khi dùng để bày tỏ sự buồn rầu và chán nản.
NT nho, vườn Một khu vườn hay nông trại dùng để trồng nho.
NT nhũ hương Một loại nhựa cây khi đốt lên thì tỏa ra hương thơm, dùng để dâng làm của lễ cho Thượng Đế.
nhục quế Các hoa khô có hương thơm của cây quế xưa, dùng để chế dầu thơm hay dầu để xức.
nhựa chai Hay “dầu hắc.” Một loại nhựa đặc phải đốt nóng lên mới chảy ra, dùng trét đáy tàu bè để ngăn nước vào.
NT nhựa thơm Hay “trầm hương.” Một loại nhựa lấy từ vỏ cây để dùng làm thuốc thơm. Loại trầm hương nầy thường được dùng để xức xác, tẩm liệm trước khi chôn. Có khi trộn với rượu để dùng làm thuốc làm dịu đau.
Ô
ô dơ Không sạch hay không chấp nhận được. Dùng cho thú vật thì từ ngữ nầy có nghĩa là loài thú không được phép ăn. Dùng cho đồ vật thì có nghĩa là không tinh sạch, không thể dùng để thờ phụng Thượng Đế. Dùng cho người thì có nghĩa là người ấy không được phép vào trong khu vực Lều Thánh hay khu vực đền thờ để tham dự vào việc thờ phụng Thượng Đế. Xem Lê-vi 11-15 trong Cựu Ước để biết các qui tắc về những gì ô dơ và những gì tinh sạch.
NT Ô-liu, núi Một ngọn đồi nằm về phía Đông thành phố Giê-ru-sa-lem. Từ ngọn đồi nầy người ta có thể nhìn thấy toàn khu vực đền thờ.
Ô-xia Một vua của Giu-đa đồng trị vì với cha mình là A-ma-xia từ năm 782 đến 767 trước Công nguyên. Sau đó ông trị vì một mình từ năm 767 đến 740 trước Công nguyên.
Ơ
NT Ơ-phơ-rát Một trong hai con sông lớn chảy qua các nước Ba-by-lôn và A-xy-ri. Sông thứ nhì là Ti-gờ-rít.
P
Pha-ra-ôn Danh hiệu của vua Ai-cập.
Pha-ran, núi Đây có lẽ là ngọn núi nằm về phía Tây của vịnh A-ca-ba và phía Bắc của núi Si-nai.
NT Pha-ri-xi Một nhóm tôn giáo Do-thái tự cho rằng họ theo sát những luật lệ và phong tục Do-thái.
NT phạm thượng Nói những lời nghịch lại Thượng Đế hoặc tỏ lòng bất kính đối với Ngài.
NT phép lạ Những việc lạ lùng thực hiện do quyền năng của Thượng Đế.
NT Phi-lát Bôn-ti Phi-lát, tổng đốc La-mã miền Giu-đia từ năm 26 đến năm 36 Dương lịch.
Phi-li-tin Giống dân sống dọc theo bờ biển Pha-lét-tin. Họ chiếm đóng xứ Ca-na-an trước khi dân Ít-ra-en vào xứ ấy và là một trong những kẻ thù mạnh nhất của Ít-ra-en.
NT Phia-rơ Từ ngữ nầy trong tiếng Hi-lạp có tên là Xê-pha, còn tiếng A-ram dùng để chỉ Phia-rơ, một trong mười hai môn đệ của Chúa Giê-xu. Cả hai đều có nghĩa là “tảng đá.”
NT phù phép Hay “bùa chú.” Xảo thuật người ta dùng quyền lực của ma quỉ hay thần linh để làm những việc lạ.
Q
NT Quá khích, đảng Danh từ dùng để chỉ những người Do-thái hăng say hay “quá khích” muốn duy trì tính thuần túy của Do-thái-giáo như đất đai, giữ luật pháp Mô-se và truyền thống. Sự hăng say nầy khiến họ có thể làm bất cứ điều gì để chống lại ảnh hưởng hay đe dọa từ bên ngoài chẳng hạn như thế lực của La-mã. Tinh thần nầy đưa đến việc thành lập đảng Do-thái Quá khích (Lưu ý trong Ma 10:4Mác 3:18, “Quá khích” thường được dùng để dịch từ ngữ “người Ca-na-an” trong tiếng A-ram. Hai từ ngữ nầy đồng nghĩa nhau).
quan án Một trong các lãnh tụ trong dân chúng. Các quan án đóng vai hướng dẫn, xét xử và bảo vệ dân Ít-ra-en trước khi họ có vua đầu tiên.
NT quan tiền Đồng đơ-na-ri của La-mã, tương đương với một ngày công.
quân xa Một loại xe nhỏ có 2 bánh do ngựa kéo, dùng trong chiến tranh thời xưa.
R
Ra-háp Con rồng hay quái vật cai trị dưới biển. Ra-háp thường tiêu biểu cho kẻ thù của Thượng Đế hay là những gì độc ác.
rèn, thợ Thợ làm vũ khí, dụng cụ hoặc các món đồ khác bằng sắt hay kim loại.
Rê-xin Vua A-ram cai trị khoảng năm 740-731 trước Công nguyên.
Rương/Hộp Giao Ước Một hộp đặc biệt được đặt Nơi Chí Thánh trong Lều Thánh của người Ít-ra-en, và về sau được đặt trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Hộp ấy đựng các bảng đá ghi Mười Mệnh Lệnh làm bằng cớ về giao ước giữa Thượng Đế và dân Ngài. Có vài chỗ trong Thánh Kinh dùng từ ngữ “Hộp chứng cớ” hay “Chứng cớ.” Xem Xuất 25:10-22; I Vua 8:1-9.
S
NT Sa-bát Ngày thứ bảy trong tuần là một ngày đặc biệt cho người Do-thái. Theo mệnh lệnh của Thượng Đế, ngày ấy được biệt riêng để mọi người nghỉ ngơi và thờ kính Thượng Đế.
NT Sa-mu-ên Quan án (lãnh tụ) cuối cùng và là nhà tiên tri đầu tiên của Ít-ra-en.
NT Sa-tăng Tên khác của ma quỉ, có nghĩa là “kẻ thù,” hay “kẻ tố cáo.”
San-chê-ríp Vua A-xy-ri cai trị khoảng 706-681 trước Công nguyên.
Sết-ba-xa Tổng trấn của xứ Giu-đa. Tên ông được nhắc nhiều lần trong sách E-xơ-ra. Có lẽ ông ta là Xê-ru-ba-bên mà sách E-xơ-ra 2:2 và vài chỗ khác đề cập đến. Nếu đây là hai người khác nhau thì Sết-ba-xa là tổng trấn đầu tiên, còn Xê-ru-ba-bên là tổng trấn thứ nhì.
sê-mi-nít Nghĩa của từ ngữ nầy không rõ lắm nhưng có thể là một loại nhạc cụ, một cách lên dây đàn, hoặc một nhóm nhạc sĩ chơi đàn cầm trong đền thờ. Xem I Sử 15:21.
NT Si-nai, núi Một ngọn núi thuộc Á-rập, nơi Thượng Đế trao luật pháp của Ngài cho Mô-se (Xuất 19 và 20).
NT sĩ quan Một cấp quan lại của quân đội La-mã, chỉ huy khoảng 100 binh sĩ.
NT sinh Từ ngữ “sinh ra” hoặc “cha” trong gia phổ Do-thái đôi khi có nghĩa là ông nội hoặc thân thuộc xa.
NT sinh tế Của lễ dâng lên cho Thượng Đế để tỏ lòng thờ kính, cảm tạ, hay chuộc tội. Trong Cựu Ước, sinh tế thường là một con thú đặc biệt đã bị giết và thiêu trên bàn thờ. Các sinh tế nầy tiêu biểu cho sinh tế hoàn toàn mà Thượng Đế ban cho qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúa Giê-xu hi sinh mạng sống của Ngài để đền tội cho cả nhân loại. Xem Hê 10:1-14.
NT sứ đồ Các môn đệ của Chúa Giê-xu được chọn để đại diện cho Ngài. Trong thời kỳ Ngài mới bắt đầu chức vụ, Chúa Giê-xu chọn mười hai người để làm sứ đồ. Họ có nhiệm vụ và thẩm quyền đặc biệt để đại diện cho Chúa và truyền bá sứ điệp của Ngài khắp thế giới. Sau đó, Ngài hiện ra cho Phao-lô và trao cho ông nhiệm vụ tương tự, đặc biệt là truyền sứ điệp Ngài cho những người không phải Do-thái. Ba-na-ba, giáo sĩ đồng nghiệp với Phao-lô, Gia-cơ, em Chúa Giê-xu và nhiều người khác trong thời Tân Ước cũng được gọi là sứ đồ. Tuy nhiên trong một vài chỗ, từ ngữ nầy có một nghĩa rộng hơn, gọi là “sứ giả” hay “đại diện.”
NT sự sống, cây Một loại cây sinh ra trái khiến người ăn được sống đời đời. Xem Sáng 2:9; 3:22Khải 22:1-2.
sừng của bàn thờ Các góc của bàn thờ có phần nhô lên như cái sừng. Bàn thờ dùng để dâng sinh tế và được đặt ở trong sân Lều Thánh. Xem hai từ ngữ “Đền thờ” và “Lều Thánh.” Xem thêm Xuất 27:2; 38:2. Bàn thờ xông hương đặt bên trong Lều Thánh cũng có sừng. Xem Xuất 30:2; 37:25. Luật pháp qui định rằng ai vô tình (không phải cố ý) giết người khác thì có thể chạy trốn đến Nơi Thánh và nắm các sừng bàn thờ mà không bị báo thù hay trừng phạt. Xem Xuất 21:12-14.
T
Tảng đá tưởng nhớ Một tảng đá dựng lên để kỷ niệm một sự việc đặc biệt. Vào thời xưa dân Ít-ra-en thường dựng các tảng đá ở những nơi họ thờ Thượng Đế hay các thần giả. Xem thêm “Nơi cao” và “trụ đá.”
Tạt-si Một thành phố cách Ít-ra-en khá xa, có lẽ tận Tây-ban-nha. Thành phố nầy nổi tiếng về những chiếc tàu lớn dùng để chạy quanh Địa-trung-hải.
NT tế lễ tối cao, thầy Thầy tế lễ và nhà lãnh đạo tinh thần quan trọng nhất của người Do-thái theo Giao Ước Cũ (Cựu Ước) nhưng theo Giao Ước Mới (Tân Ước) thì thầy tế lễ tối cao là Chúa Cứu Thế (xem Hê 7:11-8:13).
Ti-gờ-rít Một trong hai con sông lớn chảy qua các xứ Ba-by-lôn và A-xy-ri. Sông thứ nhì là Ơ-phơ-rát.
NT Tia Một thành phố nằm trên bờ biển Phê-ni-xi (nay là Li-băng), phía Bắc nước Do-thái.
tiên kiến, người Một loại nhà tiên tri nhận được các sứ điệp của Thượng Đế qua chiêm bao hay các dị tượng.
NT tiên tri giả, nhà Một người tự nhận nói thay cho Thượng Đế nhưng thật ra người ấy không nói được chân lý của Thượng Đế.
NT tiên tri, nói Nói tiên tri tức là nói thay cho Thượng Đế.
NT tiên tri, nhà Người truyền đạt sứ điệp của Thượng Đế. Nhiều sách trong Cựu Ước là những sứ điệp được phát ngôn hay viết ra do các “nhà tiên tri” là một số người được Thượng Đế chọn để nói thay cho Ngài. Thượng Đế hay dùng chiêm bao hay dị tượng để bảo cho các nhà tiên tri của Ngài phải nói những gì.
tiếng Do-thái Tiếng Hê-bơ-rơ hay A-ram. A-ram là một thứ tiếng tương tự như tiếng Hê-bơ-rơ mà nhiều người Do-thái dùng vào thế kỷ thứ nhất.
NT Tin Mừng Trong các sách Tin Mừng thì tin nầy nói về Nước Trời đã đến hay Chúa Cứu Thế đại diện cho nước ấy đã đến. Ở những chỗ khác trong Thánh Kinh thì Tin Mừng ám chỉ sứ điệp về ân phúc của Thượng Đế tức là con đường mà Ngài đã vạch ra qua Chúa Cứu Thế Giê-xu để cho dân Ngài được hoà thuận với Thượng Đế và được hưởng phước lành của Ngài từ nay cho đến mãi mãi.
NT tín hữu Nghĩa đen là “anh em” dùng để chỉ những người tin theo Chúa Giê-xu và thuộc vào đại gia đình của Ngài.
Tinh sạch hóa Hay “chuộc tội cho.” Trong tiếng Hê-bơ-rơ từ ngữ nầy có nghĩa là “khỏa lấp” hay “xóa” tội của một người.
tinh sạch Tinh khiết và có thể chấp nhận được. Nếu dùng cho thú vật thì có nghĩa là ăn được. Nếu dùng cho đồ dùng thì có nghĩa là có thể sử dụng. Nếu dùng cho người thì có nghĩa là có thể tham dự vào việc thờ kính Thường Đế nơi Lều Thánh hay Đền thờ. Xem Lê-vi 11-15 để biết các luật lệ của Cựu Ước về sự tinh sạch.
NT tổ phụ Các tổ tiên quan trọng của người Do-thái, đặc biệt là các nhà lãnh đạo của các chi tộc Ít-ra-en.
NT tối tăm, sự Dấu hiệu mô tả vương quốc của Sa-tăng, chẳng hạn như tội lỗi hay điều ác.
tù binh Người bị thua trận và bị bắt đi làm tù nhân.
túi phán đoán Phần trước ngực giống cái bị hay túi của chiếc áo do thầy tế lễ tối cao mặc. Xem Xuất 28:15-30.
NT Tự Do, người Gồm những người Do-thái trước kia làm nô lệ hoặc có cha ông làm nô lệ nhưng nay được tự do.
NT than khóc Bày tỏ sự đau buồn về một người đã chết hay một điều gì đã bị cướp mất. Vào thời xưa trong Ít-ra-en, tang gia hay người than khóc thường mặc áo quần bằng vải sô, khóc lóc lớn tiếng và rắc tro lên đầu để bày tỏ sự buồn thảm. Có khi người ta thuê các người “khóc mướn” để làm việc ấy.
NT thánh Khi nói về người hay đồ vật, “thánh” nghĩa là được biệt riêng ra hay được chọn cho một mục đích đặc biệt nào đó, chẳng hạn như thuộc về Chúa và chỉ dùng cho Ngài mà thôi. Cũng có nghĩa là thanh sạch và hoàn toàn, xứng đáng với Chúa và thích nghi để Ngài dùng. Khi Thượng Đế được gọi là thánh thì ngoài ý niệm thanh sạch và toàn thiện, thánh còn có nghĩa là Ngài hoàn toàn tách biệt và khác hẳn với những gì hiện hữu. Trong Tân Ước dân Chúa được gọi là thánh vì họ đã được trở nên toàn thiện và thanh sạch qua Chúa Cứu Thế nhờ Chúa Thánh Linh, họ được giữ khỏi tội lỗi và chỉ sống cho Thượng Đế.
NT Thánh Kinh Trước kia là một phần của Sách Thánh, thường chỉ phần Cựu-Ước. Nay gồm cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.
NT Thánh Linh Còn gọi là Thần Linh của Thượng Đế, Thần Linh của Chúa Cứu Thế, hay Đấng Trợ Giúp. Ngài hợp chung với Thượng Đế và Chúa Giê-xu để thực hiện công việc của Thượng Đế giữa con người trên thế gian.
NT thánh thiện Tránh xa tội lỗi và chỉ sống cho Thượng Đế.
thăm, lá Thường là viên sỏi, que cây, hay khúc xương dùng như con súc sắc để quyết định hay phán đoán điều gì. Xem Châm 16:33. Xem thêm “bắt thăm.”
thân hữu, của lễ Một của lễ dâng lên cho Thượng Đế nhưng người dâng của lễ ấy cũng dùng chung cùng với những người khác, nhất là trong các lễ Trăng Mới.
Thần Dút Vị thần quan trọng nhất mà người Hi-lạp thời xưa thờ phụng.
NT Thần hỏa Người Hi-lạp tin rằng Thần hỏa là sứ giả cho các thần khác.
NT Thần mộc Người Hi-lạp tin đa thần, trong đó Thần mộc là quan trọng nhất.
NT thần tượng Tượng của thần giả mà người ta dùng để thờ phụng. Cũng có nghĩa là những gì quan trọng đối với con người hơn là Thượng Đế.
NT Thập Tỉnh Tiếng Hi-lạp là “Đê-ca-bô-li.” Đó và vùng phía Đông hồ Ga-li-lê, trước kia có mười thị trấn.
NT thập tự giá Cột gỗ mà người La-mã dùng để xử tử các phạm nhân. Đó là dấu hiệu sỉ nhục, đau khổ và chết. Vì Chúa Giê-xu đã bằng lòng chịu chết trên thập tự giá cho mọi người, cho nên Ngài kêu gọi những người theo Ngài hi sinh tính mạng cho Ngài.
NT Thất Tuần, lễ Người Do-thái hay Ít-ra-en kỷ niệm vào dịp gặt lúa mì năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua. Cùng có khi gọi là “Lễ Các Tuần.”
Thê-man Vùng phía Bắc xứ Ê-đôm, mặc dù Thê-man nghĩa là “miền Nam” trong tiếng Hê-bơ-rơ.
NT thiên đàng, nước Hay “Nước Trời.” Nguyên văn, “vương quốc.” Xem thêm Nước Trời.
thiên sứ có cánh Các thiên thần giống thiên sứ có cánh để phục vụ Thượng Đế, thường dùng để bảo vệ quanh ngôi Ngài hay các nơi thánh khác. Hai thiên sứ có cánh được đúc và đặt trên nắp của Rương Giao Ước, biểu hiệu cho sự hiện diện của Thượng Đế. Xem Xuất 25:10-20 và “con vật có cánh.”
thiên sứ trưởng Thiên sứ đứng đầu đoàn thiên sứ.
thiêu, của lễ Hay “toàn thiêu.” Của lễ dâng lên cho Thượng Đế. Của lễ nầy thường là các con thú đã bị giết và được thiêu hết trên bàn thờ.
thống đốc Viên quan cai trị một tỉnh của đế quốc Ba-by-lôn.
thợ bạc Thợ chuyên làm đồ vàng bạc.
NT thu thuế, người Những người Do-thái được người La-mã mướn để thu thuế. Những người thu thuế thường gian lận, lường gạt cho nên bị người Do-thái khác rất ghét.
NT thuộc da, thợ Người chuyên biến chế da thuộc từ da thú vật.
Thượng Đế, người của Một danh hiệu khác của nhà tiên tri.
NT Trăng Mới Theo lịch Do-thái, ngày đầu tiên của tháng, thường dùng làm một ngày đặc biệt để nghỉ ngơi và thờ phụng. Dân chúng họp lại và dùng bữa chung với nhau theo sách Lê-vi 7:16-21.
NT trầm hương Dầu của một loại gỗ thơm thường dùng để làm nước hoa (xem Thi 45:8; Châm 7:17) hay là chất đắng của một loại cây xương rồng dùng để tẩm xác trước khi chôn.
NT triết gia Người dành thì giờ để học hỏi, suy tư, thảo luận hay viết lách về các ý niệm và tìm kiếm sự khôn ngoan.
triều cống Tiền hay của lễ trả cho một vua hay nước ngoại quốc để được bảo vệ.
NT trinh nữ Một người đàn bà hay một thiếu nữ trẻ, chưa lập gia đình và chưa giao tiếp thể xác với ai.
trụ đá Một tảng đá để ghi nhớ một sự việc gì quan trọng. Vào thời xứ Ít-ra-en xưa, người ta thường hay dựng các tảng đá nơi họ thờ cúng các thần giả.
NT trung gian, người Người nói hộ hay trao hộ vật gì cho người khác.
trưởng lão/bô lão (trong Cựu Ước) Những vị lớn tuổi lãnh đạo thành phố và thực hiện các quyết định cho dân chúng.
NT trưởng lão (trong sách Khải thị) Hai mươi bốn trưởng lão trong sách Khải thị có thể là những lãnh tụ vĩ đại của dân Chúa vào thời Cựu Ước và Tân Ước gồm các lãnh tụ của mười hai chi tộc Ít-ra-en và mười hai môn đệ của Chúa Giê-xu. Hoặc cũng có thể là những thiên sứ lo việc thờ kính trên trời tương tự như 23 nhóm thầy tế lễ được giao phó nhiệm vụ thờ phụng trong thời Cựu Ước.
NT trưởng lão/bô lão (trong Tân Ước) Những người được chọn để hướng dẫn một nhóm tín hữu địa phương. Cũng gọi là “giám thị” và “mục sư.” Họ có nhiệm vụ chăm sóc dân Chúa. Xem Sứ đồ 14:23; 20:17, 28. Êph 4:11; Phil 1:1; I Tim 3:1-7; Tít 1:5-9; I Phia 5:1-3.
trưởng nam/con đầu lòng Đứa con sinh ra đầu tiên trong gia đình. Thời xưa, con trưởng nam rất quan trọng vì khi người cha qua đời thì con trưởng nam làm chủ gia đình. Cũng có nghĩa là một nhân vật quan trọng. Khi nói đến Chúa Cứu Thế thì từ ngữ nầy cho thấy Ngài là con đầu tiên và quan trọng nhất trong các con cái của Thượng Đế, con đầu tiên cùng chia xẻ sự vinh hiển của Ngài.
trượng vàng Một loại cây gậy đặc biệt mà vua thời xưa cầm trong tay để chứng tỏ uy quyền của mình.
U
U-rim và Thu-mim Có lẽ là một viên sỏi nhỏ, một miếng kim loại hay một mảnh gỗ mà thầy tế lễ tối cao để trong một túi phán đoán mà ông ta mang theo người. Có lẽ người ta dùng vật nầy như con súc sắc để biết quyết định của Thượng Đế.
V
vải gai mịn Một loại vải tốt làm bằng sợi cây đay.
NT vải sô, quần áo Loại vải thô làm bằng lông thú mà người ta mặc để bày tỏ sự buồn rầu.
vinh quang của Thượng Đế Một hình thức Thượng Đế dùng khi Ngài hiện ra cùng dân Ngài. Hiện tượng ấy giống như ánh sáng rực rỡ. Trong sách Dân số thì sự vinh quang đó giống như ánh sáng chói lọi hay một cột mây cao.
NT vòm cửa Sô-lô-môn Vùng phía đông của đền thờ, có mái che.
vợ lẽ Hay “tì nữ.” Một người đàn bà bị người đàn ông làm sở hữu chủ và đối đãi như vợ.
vũ khí, binh sĩ vác Một binh sĩ có nhiệm vụ vác vũ khí cho một sĩ quan.
vũ khí, sĩ quan vác Một sĩ quan có nhiệm vụ vác vũ khí.
vườn nho Một khu vườn hay nông trại dùng để trồng nho.
NT Vượt Qua, Lễ Một lễ rất quan trọng của người Do-thái. Mỗi năm họ ăn một bữa đặc biệt vào lễ nầy để kỷ niệm ngày Thượng Đế giải thoát họ khỏi ách nô lệ của Ai-cập vào thời Mô-se.
X
NT Xa-đu-xê, người Một nhóm lãnh đạo tôn giáo của Do-thái. Họ chỉ chấp nhận năm sách đầu tiên của Cựu Ước và không tin người ta sống lại sau khi qua đời.
NT Xa-ma-ri, người Người Xa-ma-ri là những người thuộc xứ Xa-ma-ri. Những người nầy lai Do-thái. Người Do-thái không xem người Xa-ma-ri là Do-thái chánh gốc. Hai dân tộc nầy rất ghét nhau.
Xê-la Một từ ngữ hay thấy dùng trong Thi-thiên và Ha-ba-cúc, hình như dấu hiệu cho các ca sĩ hay nhạc sĩ ngưng trong chốc lát hoặc hát lớn lên.
NT Xê-lốt Từ ngữ nầy thường dùng để chỉ những người Do-thái “hăng say” đến độ quá khích trong việc duy trì tính cách thuần túy của Do-thái-giáo: đất đai, đền thờ, tôn trọng Luật Mô-se, và các truyền thống. Sự hăng say đó bao gồm ý định sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ tính cách ấy chống lại những sự đe doạ bên ngoài chẳng hạn như quyền thống trị của La-mã. Tinh thần nầy dần dần dẫn đến việc thành lập một nhóm các người Do-thái ái quốc gọi là “đảng Xê-lốt.” (Lưu ý: Trong Ma 3:18 từ ngữ “Xê-lốt” được dùng để phiên dịch chữ “Ca-na-an” trong tiếng A-ram, cũng có nghĩa như trên).
Xê-ra-phim Các thiên sứ đặc biệt mà Thượng Đế sử dụng làm sứ giả cho Ngài. Từ ngữ nầy có thể nghĩa là sáng rực như lửa.
NT Xê-xa Danh từ hay danh hiệu dùng để chỉ hoàng đế La-mã.
NT Xi-đôn Một thành phố nằm trên bờ biển xứ Phê-ni-xi (nay là Li-băng) phía Bắc nước Do-thái.
NT Xi-ôn, núi Vùng Đông Nam của ngọn núi mà thành Giê-ru-sa-lem được xây lên. Có khi gọi là thành Giê-ru-sa-lem, cư dân ở đó, hay đền thờ.
NT Xia-tít Vùng biển cạn ở biển gần bờ biển Ly-bi (Phi châu).
NT Xô-đôm và Gô-mô-rơ Hai thành phố bị Thượng Đế hủy diệt vì dân cư quá gian ác.
xức dầu Đổ một loại dầu đặc biệt lên người hay đồ dùng để chứng tỏ người hay đồ dùng ấy đã được Thượng Đế chọn lựa và biệt riêng ra cho một mục đích hay công việc đặc biệt.
Xi-ru, vua Hoàng đế Ba-tư trị vì khoảng 550-530 trước công nguyên.
Y
NT Y-li-ri-cum Một tỉnh thuộc đế quốc La-mã nằm phía Tây Bắc Hi-lạp.
Y-sác Con trai của Áp-ra-ham và là một trong những bậc tổ tiên quan trọng của dân Ít-ra-en hay Do-thái.